TP.HCM lên kế hoạch ‘khủng’ 100 công trình ngăn triều, chống hạn mặn

Sự kiện: Thời sự

TP.HCM vừa phê duyệt đề án phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn TP (đề án) đầu tư hơn 100 công trình ngăn triều, chống xâm nhập mặn vùng ven.

Đề án dựa trên cơ sở Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung các công trình vùng ven sông Sài Gòn

Theo đề án, trên kết quả tính toán nhu cầu nước, điều kiện địa hình tự nhiên tại khu vực, công trình thủy lợi hiện hữu và các nguồn cấp nước trên địa bàn TP, giải pháp phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, thời gian tới sẽ tập trung nạo vét, nâng cấp, sửa chữa 105 công trình có tổng diện tích phục vụ cho 3.416 ha thuộc ba vùng ở TP.

Thứ nhất vùng ven sông Sài Gòn (gồm các xã ven sông Sài Gòn trên địa bàn huyện Củ Chi và xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn), nơi nguồn cấp nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống sông Sài Gòn.

Giải pháp đối với vùng này tập trung nạo vét các tuyến kênh, rạch; nâng cấp, sửa chữa các công trình kiểm soát triều (68 công trình), kết nối giao thông nông thôn, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phòng, chống ngập úng.

Thứ hai vùng nhiễm phèn, xâm nhập mặn (gồm các xã trên địa bàn huyện Bình Chánh và các xã còn lại trên địa bàn huyện Hóc Môn), nơi nguồn nước thường xuyên bị nhiễm phèn và xâm nhập mặn.

Giải pháp đối vùng này là tập trung nâng cấp, sửa chữa hệ thống cống ngăn mặn, nạo vét các kênh tưới, tiêu và xây dựng các ao trữ nước nội đồng (21 công trình) để đảm bảo chủ động nguồn cấp nước vào các tháng mùa khô và thau chua, rửa phèn.

Thứ ba là vùng nước lợ, mặn (gồm các xã trên địa bàn huyện Cần Giờ), nơi hệ thống thủy lợi chủ yếu phục vụ cấp nước nuôi trồng thủy sản và làm muối. Vì vậy, giải pháp đối với vùng này là nạo vét hệ thống kênh, rạch đảm bảo cấp nước cho sản xuất; sửa chữa hệ thống cống ngăn triều; gia cố bờ kênh, rạch phòng, chống sạt lở (16 công trình thủy lợi có tổng diện tích phục vụ cho 692 ha).

Công trình đê, kè thuộc dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng đang dần hoàn thiện. Ảnh: Đ.T

Công trình đê, kè thuộc dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng đang dần hoàn thiện. Ảnh: Đ.T

Cống cũ, công trình xuống cấp, dự án ‘treo’

Đề án cũng đánh giá hiện trạng, ngoài các công trình thủy lợi nội đồng thuộc hệ thống công trình thủy lợi Kênh Đông Củ Chi được đầu tư khá hoàn chỉnh và đã được kiên cố hóa.

Bên cạnh đó, các hệ thống thủy lợi còn lại chủ yếu kênh đất, qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, sụp, lún, bồi lắng, tắc nghẽn, khẩu độ cống cũ không đủ đáp ứng lưu lượng thoát nước khi có mưa lớn gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của hạ tầng thủy lợi, kinh phí cho công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi hằng năm chưa được quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời. Do vậy, công trình mau xuống cấp, kém phát huy hiệu quả nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của công trình.

Ngoài ra, các khu công nghiệp, khu dân cư tự phát phát triển nhanh chóng, ý thức bảo vệ công trình thủy lợi của người dân chưa cao nên tình trạng san lấp, lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi vẫn còn tiếp diễn.

Không chỉ các công trình nhỏ, công trình ngăn triều 10.000 tỉ đồng, dự án có quy mô lớn nhất TP.HCM, hiện nay dù đã hoàn thành hơn 90% khối lượng nhưng vẫn “treo” tiến độ, chưa thể hoàn thành (từ tháng 8-2020, dự án cống ngăn triều 10.000 tỉ đồng tạm ngưng thi công do vướng mắc về vốn).

Vừa qua, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (chủ đầu tư) vừa có văn bản kiến nghị TP.HCM về việc xin điều chỉnh tổng mức đầu tư công trình ngăn triều giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) - dự án cống ngăn triều 10.000 tỉ đồng.

Chủ đầu tư cho biết việc tạm dừng và kéo dài dự án cống ngăn triều này, do các vướng mắc nhà đầu tư không thể giải quyết được và cũng không thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Từ đó, dẫn đến lãi vay phát sinh mỗi ngày gần hai tỉ đồng.

Trung Nam Group cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM về nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, hai năm qua vẫn chưa nhận được chỉ đạo để triển khai thủ tục đối công trình ngăn triều có ý nghĩa này.

“Chúng tôi mong muốn sớm triển khai thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, tạo điều kiện để dự án được triển khai thi công hoàn thành trong thời gian gần nhất”, chủ đầu tư kiến nghị.

Đã có 45 công trình

Đến nay, ngành thủy lợi TP.HCM đã và đang xây dựng được khoảng 45 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 2.000 km đê bao, bờ bao lớn nhỏ ven các sông kênh rạch, trên 900 các loại công trình phụ trợ như: cống, đập, trạm bơm và khoảng 600 hạng mục công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn đã được TP đầu tư các năm qua.

Các công trình ngăn triều, hệ thống công trình thuỷ lợi hiện nay đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn cho khoảng 55.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, ngăn lũ, kiểm soát triều, chống ngập úng cho khoảng 70.000 ha. Các công trình đầu tư chủ yếu tại thành phố Thủ Đức và các quận - huyện gồm: Quận 12, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ.

Bên cạnh đó, công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn TP có 1.306 công trình, gồm: kênh, bờ bao có 1.052 công trình với tổng chiều dài 853.710 m, diện tích phục vụ hơn 27.378 ha; có 254 cống các loại phục vụ kiểm soát triều, tưới tiêu hơn 23.954 ha.

Sở Tài chính Lâm Đồng cho rằng việc thực hiện Khu đô thị Đại Ninh không khả thi nên đề xuất loại dự án ra khỏi danh sách công trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUY VŨ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN