TP.HCM kiến nghị mức thu nhập "đủ hấp dẫn" để giữ chân người tài
TP.HCM kiến nghị chính sách cải cách tiền lương phù hợp mức sống và điều kiện của đô thị lớn, trọng điểm, đô thị đặc biệt, đảm bảo mức lương và thu nhập đủ sức hấp dẫn để giữ chân nhân tài.
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về đánh giá thực trạng chính sách đối với người có tài năng trong cơ quan nhà nước của TP.
Theo đó, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cán bộ trẻ, từ giai đoạn 1999-2000, TP.HCM đã triển khai ba chương chương trình (gồm người trẻ, thạc sĩ - tiến sĩ, công nhân).
Đến năm 2017, TP tiếp tục các chính sách, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trên địa bàn TP.
TP.HCM gặp khó khăn trong đào tạo nguồn cán bộ trẻ. Ảnh: Lê Thoa
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, ba chương trình cán bộ trẻ chưa đạt được như chỉ tiêu đề ra do TP đang quyết liệt tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định của trung ương.
Bên cạnh đó, một số cán bộ, học viên của ba chương trình này sau khi hoàn thành thời gian đào tạo đã không được đánh giá đúng năng lực chuyên môn, ý thức tự giác học hỏi, phấn đấu còn hạn chế. Nhiều trường hợp xin nghỉ việc, không hoàn thành thời gian công tác đã cam kết.
Từ 2018 đến nay, nguồn cán bộ trẻ từ ba chương trình trên giảm mạnh. Nhóm này không còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, nên TP không có cơ sở phát hiện, khuyến khích, tuyển chọn nhân lực trình độ cao vào hệ thống chính trị.
Nhiều người có trình độ, năng lực tốt đã không tiếp tục gắn bó trong khu vực công sau khi hoàn thành thời gian phục vụ bắt buộc.
Còn việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt là chính sách lớn, đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện…
Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần xây dựng chiến lược, nghị quyết về việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng chung cho cả nước với tầm nhìn dài hạn đến năm 2025, năm 2030 và định hướng tới năm 2045.
Theo UBND TP.HCM, Chính phủ cũng cần quy định khung chính sách áp dụng cho từng nhóm địa phương, lĩnh vực, tránh tình trạng cạnh tranh, “nơi thừa, nơi thiếu”.
Trong đó, TP.HCM cho rằng cần có chính sách cải cách tiền lương phù hợp, tính toán đến mức sống và điều kiện của đô thị, nhất là đô thị lớn, trọng điểm, đô thị đặc biệt, đảm bảo mức lương và thu nhập đủ sức hấp dẫn để giữ chân nhân tài.
Chế độ đãi ngộ không nên tập trung vào mức thu nhập đầu vào mà cần đa dạng về loại hình hỗ trợ và căn cứ vào kết quả hoạt động chuyên môn, thành tích đạt được. Ngoài ra còn có chính sách tiền thưởng, hỗ trợ một phần kinh phí thuê, mua nhà và đi lại trong khả năng cân đối của địa phương.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị các chính sách về tạo nguồn người có tài năng; bố trí, sử dụng, quản lý người có tài; đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực; tôn vinh…
Kết quả thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người tài ở TP.HCM Đối với chương trình trẻ tuổi, trong giai đoạn 2001 - 2020, TP.HCM đã xét tuyển và bố trí công tác 1.527 cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên cho hệ thống chính trị TP. Hiện có 978 trường hợp đang công tác và có 385 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý cấp TP, cấp huyện và cấp xã. Đối với chương trình thạc sĩ, tiến sĩ, TP.HCM đào tạo được 920 học viên (trong đó có 92 tiến sĩ). Hiện có 686 học viên đang công tác, trong đó có 314 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý… Còn trong chương trình công nhân, TP đã tuyển chọn được 135 học viên (gồm công nhân và sinh viên); hiện còn 107 cán bộ đang công tác, trong đó có 29 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý cấp huyện, cấp xã. Đáng chú ý, từ năm 2014 - 2018, TP.HCM thu hút được 17 chuyên gia khoa học và công nghệ về công tác. Trong đó có tám chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, hai chuyên gia người Việt Nam và bảy chuyên gia người nước ngoài. Đến nay còn 12 chuyên gia đang công tác. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chiều 5-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu ông Phạm Minh Chính giữ Thủ tướng Chính phủ, sau đó tân Thủ tướng đã tuyên thệ nhậm chức.