TP.HCM không phong tỏa, không ban bố 'tình trạng khẩn cấp' về dịch 2 tuần tới
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM khẳng định: Không thực hiện phong tỏa TP.HCM trong 2 tuần tới, không thực hiện “tình trạng khẩn cấp” về dịch bệnh.
Chiều 21-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi họp báo Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu mở đầu hop báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, cho biết sau khi công bố thông tin TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp nhằm tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch COVID-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23-8, do tâm lý hết sức lo lắng nên sáng nay đã ghi nhận tình trạng bà con ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hoá.
“Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, đe doạ trực tiếp tới nguy cơ làm làm lây lan mạnh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể thực hiện được việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch” – ông Hải nói.
Do vậy, ông Hải cho biết, Ban Chỉ đạo khẳng định: Không thực hiện phong tỏa TP.HCM trong 2 tuần tới, không thực hiện “tình trạng khẩn cấp” về dịch bệnh. Lý giải điều này, ông Hải cho biết vì theo Khoản 2, Điều 42 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm qui định Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể làm ngay thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố.
Ông Hải nhấn mạnh: TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng y tế, công an, quân đội và nhiều lực cán bộ, công chức, người tình nguyện. Công an đã có, quân đội đã có, lực lượng y tế đã có và đã được Trung ương tăng cường rồi, làn này tiếp tục tăng cường hơn nữa, chứ không có nghĩa là chúng ta đưa quân đội vào quá nhiều” – ông Hải nói.
Tiếp nữa là TP.HCM tăng cường phương tiện như máy móc thiết bị, xe xét nghiệp, dụng cụ xét nghiệm, thuốc… “Chúng ta đã có những phương tiện đó nhưng bây giờ tăng cường nhiều hơn trước tính chất, quy mô dịch bệnh tăng nhanh” – ông Hải nói.
TP.HCM cũng tăng cường lương thực, thực phẩm để tiếp tục chăm lo cho người dân tốt hơn để người dân yên tâm cùng TP phòng chống dịch bệnh. “Chính phủ đã hỗ trợ 130.000 tấn gạo cho 24 tỉnh thành, trong đó TP.HCM được hỗ trợ 71.000 tấn gạo” – ông Hải.
Cuối cùng là tăng cường siết chặt. “Chính vì chúng ta giãn cách chưa nghiêm, bây giờ siết chặt để giãn cách nghiêm hơn. Chính vì chúng ta kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm nên bây giờ phải tăng cường siết chặt nghiêm hơn” – ông Hải nói và cho biết đó là tinh thần của việc tăng cường và nâng cao các giải pháp chống dịch.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Về các giải pháp cụ thể, theo ông Hải, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã có văn bản số 2789 về tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, TP.HCM tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đào chống dịch” kể từ 0 giờ ngày 23-8 đến hết ngày 6-9.
Thứ nhất, thực hiện triệt để giãn cách xã hội, TP sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ").
Thứ hai, về chăm lo tốt an sinh xã hội: TP.HCM giao Sở LĐ-TB&XH TP tham mưu hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp miễn giảm tiền điện nước ở các nhà trọ.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong.
Thứ tư, về cung ứng hàng hoá: TP giao sở Công thương đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Thứ năm, về hoạt động của doanh nghiệp: TP chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu tại kế hoạch 2715 ngày 15-8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) sẽ tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và các quận - huyện:...