TP.HCM học hỏi giao thông ngầm của Nhật để giảm ùn tắc

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, TP.HCM sẽ học hỏi về việc xây dựng và quản lý hệ thống hạ tầng giao thông ngầm của Nhật Bản.

TP.HCM học hỏi giao thông ngầm của Nhật để giảm ùn tắc - 1

Một hình ảnh về hệ thống giao thông ngầm ở Nhật Bản. (Ảnh: Japan Times)

Chiều ngày 4.4, UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chuyến công tác đã giúp TP.HCM tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản,như tỉnh Hyogo, tỉnh Shiga, tỉnh Osaka và thành phố Yokohama.

Làm việc với các cơ quan phục trách về ODA của Chính phủ Nhật Bản, ông Nguyễn Thành Phong đã đề cao vai trò và sự đóng góp của các đối tác Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

TP.HCM mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ vốn ODA cho một số dự án trọng điểm của thành phố, như dự án cải tạo môi trường nước giai đoạn 3, dự án tuyến Metro số 3a, 3b,… Đồng thời, TP.HCM cũng mong muốn Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đào tạo cho Công ty vận hành và bảo dưỡng Đường sắt đô thị thành phố, nhằm chuẩn bị cho việc đưa vào khai thác tuyến Metro đầu tiên của thành phố vào năm 2020.

TP.HCM học hỏi giao thông ngầm của Nhật để giảm ùn tắc - 2

Ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM đang phát biểu trong buổi họp báo chiều 4.4. (Ảnh: Q.L)

Ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, hạ tầng giao thông trên cao của TP.HCM còn rất lâu mới bằng Nhật Bản. Ở Nhật Bản, nhà cao nhưng đường cũng nhiều tầng. Nếu TP.HCM phát triển hạ tầng trên caomà chỉ dừng lại ở giao thông đồng cấp thì rất khó giải quyết được việc ùn tắc.

“Chúng ta phải đồng thời vừa mở rộng giao thông trên bộ vừa phát triển hệ thống các nút giao khác cấp. Những vấn đề này đã có trong quy hoạch của thành phố. Vấn đề bây giờ là phải huy động, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình hạ tầng này”, ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, Nhật Bản có cả một hệ thống giao thông ngầm công cộng: Phía trên là đường đi; còn ở dưới là hệ thống các tuyến metro, các khu phố ngầm cho hoạt động vui chơi liên kết với các hệ thống tầng ngầm của các doanh nghiệp.

Về công tác quản lý hạ tầng giao thông ngầm tại Nhật Bản, ở một nơi, nhưng họ có thể quan sát và điều khiển toàn bộ hệ thống. Mỗi ngày, Nhật Bản có hàng ngàn tuyến metro hoạt động, chở hàng triệu lượt khách nhưng không xảy ra bất cứ một tai nạn nào trong suốt 60 - 70 năm qua.

Do đó, TP.HCM sẽ nghiên cứu, học tập xây dựng và quản lý hạ tầng ngầm của Nhật Bản. Ông Hoan đánh giá: “Chuyến đi về cơ bản đạt được yêu cầu của việc gắn kết sâu sắc với các tỉnh, thành phố Nhật Bản. Chúng ta đã đi sâu học hỏi được những kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông ngầm, di dời cảng biển, nguồn nhân lực, vấn đề bảo vệ môi trường của nước bạn”.

“Ngoài ra, đoàn công tác cũng đã học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong khâu hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào công nghệ cao tại TP.HCM”, ông Hoan cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN