TP.HCM đề xuất mức lương tối đa 120 triệu đồng cho lãnh đạo làm khoa học
Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP thành lập hưởng lương 60-120 triệu đồng/tháng, theo đề xuất của Sở KH&CN TP.HCM.
Nội dung trên được Sở KH&CN TP.HCM đề xuất trong dự thảo “Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ”.
Dự thảo nêu rõ mức chi tiền lương, tiền công các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP thành lập được xác định trên cơ sở trình độ, năng lực, yêu cầu công việc và thỏa thuận.
Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP thành lập hưởng lương 60- 120 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, cấp phó của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập được hưởng mức thù lao 50- 100 triệu đồng/ tháng.
Trưởng các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập hưởng thù lao 40- 80 triệu đồng/tháng. Phó các phòng, ban hưởng thù lao 30- 60 triệu đồng/tháng.
Hoạt động sản xuất chip bán dẫn tại Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Mức thù lao này sẽ được xem xét tăng 5% mỗi năm theo kết quả hoạt động của lãnh đạo làm việc tại các đơn vị nhưng không quá mức trần quy định ở trên. Ngoài ra, lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ được thưởng một tháng lương khi được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm.
Họ cũng được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.
Sở KH&CN TP cũng đề xuất, định mức chi thù lao đối với chức danh chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ là 60 triệu đồng/người/tháng.
Hệ số lao động khoa học của các chức danh cũng được quy định cụ thể như sau: chủ nhiệm nhiệm vụ (1,0); thư ký khoa học (0,6); thành viên chính (0,8); thành viên (0,6); kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ (0,2).
Lãnh đạo, người nghiên cứu phải nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của TP hiện nay như điện tử và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc, công nghệ vi sinh thế hệ mới; công nghệ dược, công nghệ chế tạo vật liệu tiên tiến… Lĩnh vực nghiên cứu xây dựng chính sách phục vụ phát triển TP.
Các chức danh lãnh đạo được hưởng ưu đãi phải có học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học hoặc có một trong các chức danh Phó giáo sư, Giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp, kỹ sư cao cấp hoặc có chức danh công nghệ tương đương; tốt nghiệp đại học trở lên và có năng lực chuyên môn hoặc quản lý ít nhất năm năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực chuyên môn.
Về năng lực, các chức danh lãnh đạo phải chủ trì ít nhất một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc hai nhiệm vụ cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu đạt trở lên. Có các kết quả nghiên cứu được cấp bằng độc quyền sở hữu trí tuệ hoặc được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín và các thành tựu khác có liên quan. Đồng thời, có kinh nghiệm trong triển khai nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
Dự kiến, sau khi lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia sẽ trình UBND TP xem xét. Sau đó, dự thảo đề án sẽ được trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp vào tháng 9 tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Căn cứ kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023, cũng như chia sẻ khó khăn của DN, đại diện tổ chức Công đoàn mong muốn điều chỉnh tiền...