TP.HCM đề xuất giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều phường
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất biện pháp phong tỏa nhiều phường ở TP.HCM theo Chỉ thị 16.
Sáng 30-5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp khẩn về COVID-19 tại TP.HCM.
Tham dự cuộc họp còn có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo khác.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp khẩn về COVID-19 tại TP.HCM sáng nay, 30-5. Ảnh: MINH TÂM
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết TP đã có 133 ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch thứ tư, trải khắp 16 quận huyện. Do vậy, cần biện pháp phong tỏa khu vực và giãn cách hầu khắp TP.HCM.
Từ đó, về phong tỏa khu vực, Sở Y tế đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 phong tỏa triệt để 6 phường ở Gò Vấp, gồm: 3, 14, 15, 5, 9 và phường 11.
Riêng quận 12 sẽ phong tỏa phường Thạnh Lộc. Còn các phường khác ít ca bệnh, ông Bỉnh đề xuất cách ly từng khu phố.
Một đoạn đường Thạnh Lộc 19 (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) bị phong tỏa. Đây là nơi 2 vợ chồng nghi nhiễm COVID-19 sinh sống, hôm 26-5.
“Hiện nay, TP.HCM gần như là giãn cách theo Chỉ thị 15 rồi, bây giờ bổ sung thêm các biện pháp phong tỏa này” – ông Bỉnh nói.
Trước cuộc họp này, chiều qua, Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 52 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 10 ca ở TP.HCM. Trong sáng nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng ghi nhận thêm 40 trường hợp nghi nhiễm mới trong cộng đồng liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hung, quận Gò Vấp.
Tính đến hôm nay, trong đợt dịch lần thứ tư, TP.HCM đã có tổng cộng 140 ca nhiễm COVID-19, trong đó 133 ca liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng.
Trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ chiều 29-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TP.HCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh và mạnh. Do vậy ông khẳng định nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao.
Lý giải về nhận định này, ông Phong cho rằng do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt. “Thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận, như bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton, một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Con-cen-trix thuộc công viên phần mềm Quang Trung” – ông Phong nói.
Về nơi lây nhiễm, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè.
“Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm” – ông Phong nói.
Ông cũng khẳng định: Có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện”.
Nguồn: [Link nguồn]
Liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hội Tin Lành truyền giáo Phục Hưng, Cơ quan Công an quận Gò Vấp, TP.HCM đã Quyết định khởi...