TPHCM đã cho phép quảng cáo trên xe buýt
Việc làm này nhằm tăng nguồn thu và giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ ngân sách TP HCM.
UBND TP HCM vừa phê duyệt Đề án “Thí điểm quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt) trên địa bàn TP HCM". Thời gian thực hiện thí điểm trong vòng 1 năm.
Mục tiêu của đề án là khai thác không gian bên ngoài thân xe buýt để tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ ngân sách TP; đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các mặt hàng, sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước.
Ngoài ra, TP HCM cũng hướng đến mục tiêu từng bước thay đổi diện mạo cho hệ thống xe buýt TP; nâng cao hình ảnh xe buýt: văn minh, hiện đại, tiện dụng, an toàn… Trước mắt, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp cận sử dụng của người dân TP trong việc hưởng ứng tham gia đi lại bằng xe buýt.
Đề án sẽ thực hiện thí điểm trên 10 tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá. Cụ thể: Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn (1); Bến Thành - Đầm Sen (11); Công viên 23/9 - Âu Cơ - Bến xe An Sương (27); Công viên 23/9 - Chợ Xuân Thới Thượng (28); Khu dân cư Tân Quy – Khu dân cư Bình lợi (31); Bến Thành - Thới An (36); Bến Thành - Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây (39); Bến xe quận 8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông (45); Công viên 23/9 - Khu công nghiệp Tân Bình (69); Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng (86).
Đây là một trong 10 tuyến xe buýt sẽ đặt quảng cáo (Ảnh: Internet)
Theo UBND TP, thời gian hợp đồng cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt tối đa là 1 năm. UBND TP giao Sở GTVT tổng hợp, phân tích và đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt nêu trên để đề xuất UBND TP phương án triển khai mở rộng trên tất cả các tuyến xe buýt còn lại.
UBND TP cũng cho biết, nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt sau khi trừ các chi phí quảng cáo (tư vấn thẩm định giá, tư vấn đấu giá) được nộp vào ngân sách TP.