TPHCM: Cứu người nước ngoài có nhóm máu hiếm O-

Mang trong mình nhóm máu hiếm O-, ông K.Pawer (quốc tịch Đức) đã được lãnh sự quán Đức, Ngân hàng máu Bệnh viện Chợ Rẫy cùng cộng đồng mạng nỗ lực kêu gọi nguồn máu dự phòng trước cuộc phẫu thuật.

Sáng nay (7.1), ông Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, ngày 30.12.2015, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Pawer (SN 1957, người Đức). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị gãy xương đùi, nguy cơ mất máu cao nếu làm phẫu thuật. Đến hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định nhưng vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện.

TPHCM: Cứu người nước ngoài có nhóm máu hiếm O- - 1

Sức khỏe đã tạm ổn nhưng ông Pawer vẫn đang được các bác sĩ theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Ông Việt cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật, bệnh viện đã huy động được 8 đơn vị máu O-. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và không cần tiếp máu.

Theo đó, sau khi thông tin về bệnh nhân có máu hiếm được chia sẻ, rất nhiều người đã liên hệ cho máu. Chỉ sau khoảng 1 ngày, bệnh viện đã nhận đủ máu từ 8 người Đức đang sinh sống tại TP.HCM. Tiếp sau, vẫn có 1 người Việt Nam tới cho máu nhưng bệnh viện không lấy vì đã đủ.

“Bởi người có máu O- tại Việt Nam hiếm nên nhu cầu tiếp máu O- cũng không cao. Ngoài ra, sau 21 ngày không sử dụng thì máu dự trữ sẽ không thể dùng được nữa. Do đó, sau khi nhận đủ máu, bệnh viện chỉ ghi nhận lại những trường hợp muốn cho máu để liên hệ về sau”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, quá trình huy động máu hiếm O- cho bệnh nhân người Đức này không gặp nhiều khó khăn, bởi những người Đức và người Việt Nam đều xem nhau như một cộng đồng, chung sức hỗ trợ cho bệnh nhân này.

Để đảm bảo nguồn máu O- luôn sẵn sàng thì nguồn máu sống - tức những người khỏe mạnh đang mang dòng máu O- trong người, là rất quan trọng. Lâu nay, bệnh viện vẫn cùng câu lạc bộ máu hiếm thường xuyên kêu gọi, tìm kiếm thêm các thành viên vào hội, sẵn sàng cứu người khi cần.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Pawer, cho biết, mặc dù bệnh nhân đã tạm ổn nhưng có thể phải sang đầu tuần sau mới có thể xuất viện. Bệnh nhân này có thể nói tiếng Đức và tiếng Nga.

Ông Pawer không biết ở Việt Nam hiếm máu O-; nhưng trước sự hỗ trợ từ cộng đồng người nước ngoài và người Việt Nam trong việc cho máu, ông Pawer chia sẻ: “Tôi cũng từng cho máu người khác nên tôi hiểu hành động này ý nghĩa như thế nào”.

“Có ai cần xin máu không? Lấy máu của tôi này, cứ lấy bao nhiêu cũng được!”, ông nói vui trong cuộc trò chuyện với PV.

Được biết, ông Pawer sang Việt Nam du lịch một mình theo một công ty du lịch tư nhân. Trong khi đang chạy xe máy thì ông không may gặp nạn. Sau tai nạn, công ty du lịch đã cử người có thể giao tiếp bằng tiếng Nga túc trực tại bệnh viện 24/24 để chăm sóc cho ông.

Theo Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (tức O+, B+, A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04% - 0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (tức O-, B-, A- hoặc AB-).

Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm, và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy, những người có nhóm máu Rh- ở Việt Nam thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người mới có 4 - 7 người mang nhóm máu Rh-).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN