TP.HCM có thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với một số biện pháp tăng cường
"Trước mắt chúng ta sẽ đối mặt với tình huống thứ 2, tức là tiếp tục Chỉ thị 16 và có một số biện pháp tăng cường, ở một số địa bàn cần siết chặt hơn nữa” - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay.
Tối 21-7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 tại TP.
Tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, số ca dương tính được phát hiện hàng ngày tại TP tăng cao và còn đang diễn biến phức tạp.
Từ đó, TP đánh giá đỉnh dịch chưa đạt và còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. Do vậy, trong ba tình huống mà TP đã đề ra trước đây, cho đến thời điểm này, thì tình hình TP phù hợp hơn với tình huống thứ 2 là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí là phải tăng cường một số biện pháp.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: HOÀNG LAN
Giãn cách triệt để người với người, nhà với nhà
Ông Phan Văn Mãi cho biết, hôm qua, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cũng đã đề cập đến vấn đề này. Hiện tại Ban chống dịch COVID-19 TP cũng đang chuẩn bị các biện pháp cho Chỉ thị 16 tăng cường. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, TP sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, giám sát để người dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Như ý kiến của Công an TP là triệt để giữa nhà với nhà, người với người trong gia đình để làm sao hạn chế tối đa việc tiếp xúc, có thể lây lan mầm bệnh mà TP đánh giá là mầm bệnh hiện đang rất nhiều trong cộng đồng.
Với một số khu vực nguy cơ rất cao, rất đông dân cư như khu nhà trọ của công nhân, người lao động, vừa qua giãn cách chưa đảm bảo thì TP sẽ có biện pháp giãn dân phù hợp, tạo điều kiện để người dân ít tiếp xúc.
“Đây là việc đầu tiên để giãn cách triệt để người với người, nhà với nhà” – ông Mãi nhấn mạnh và đề nghị cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền, để mọi người thực hiện thực sự triệt để trong thời gian một tuần hoặc 10 ngày tới. Từ đó ngăn chặn dòng lây lan, có thể lập đỉnh dịch trong thời gian này rồi thực hiện các biện pháp tiếp theo.
Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thứ hai, ông Mãi cho biết song song với việc thực hiện nghiêm, triệt để giãn cách xã hội thì TP sẽ tập trung cao vào phân loại, phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0. Theo đó, ngành y tế TP đã đề ra mô hình 5 tầng.
Tầng thứ nhất là đối với người vừa test nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính, tức nghi nhiễm COVID-19 thì sẽ tạm thời chờ ở phường, xã, thị trấn.
Sau khi lấy mẫu đơn PCR, có kết quả dương tính; nếu không triệu chứng, không bệnh nền, không có bất thường thì sẽ được cách ly tập trung tại địa phương để theo dõi chăm sóc. Theo số liệu thống kê thì số này chiếm khoảng trên dưới 70%.
Tầng thứ hai là tầng có triệu chứng, cần điều trị thì chủ yếu điều trị ở các bệnh viện (BV) quận, huyện.
Tầng thứ ba là có triệu chứng, có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn. Như vậy sẽ điều trị một phần ở BV quận và một phần ở các BV tuyến cao hơn.
Ông Mãi nhìn nhận TP.HCM đánh giá ở tầng 2, 3, 4 thì chiếm khoảng 20-25%. Còn lại tầng thứ 5 là là tầng rất nặng, tầng hồi sức mà có 4 BV đang tập trung trang thiết bị, nguồn lực cho điều trị bệnh nhân nặng, làm sao hạn chế tử vong thấp nhất.
Phó Bí thư Phan Văn Mãi khẳng định, mô hình phân nhóm 5 tầng sẽ giúp giảm tải, không cần thiết đưa người dương tính chưa có triệu chứng đi vào các cơ sở điều trị mà chủ yếu ở các địa phương cách ly theo dõi, chăm sóc.
Đối với việc F0 ở BV dã chiến chuyển nặng nhưng chuyển viện còn khó khăn, ông Mãi thừa nhận thời gian qua TP nỗ lực hết sức nhưng ở từng thời điểm cụ thể, từng BV cụ thể đã có sự quá tải. “TP đang rất khẩn trương nhưng chưa phải đồng bộ 100% nên còn tình trạng này” – ông nói.
Làm hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh
Thứ ba, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi thông tin, song song với hai nhóm biện pháp trên là câu chuyện đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là cho các khu phong tỏa, nhóm gia đình khó khăn.
TP.HCM đề ra biện pháp đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo ông Mãi việc này TP cần tăng cường hơn vì phải thực hiện giãn cách triệt để, hạn chế tối đa việc đi ra ngoài của người dân. Do đó việc tiếp cận với lương thực thực phẩm đối với gia đình khó khăn là khó.
Thứ tư, TP sẽ tập trung bảo vệ và mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19 của TP.
Ông Mãi cho biết thời gian qua, TP tập trung nhiều cho vùng nguy cơ cao nhưng sắp tới TP sẽ mở ra hoạt động ở vùng đệm để bảo vệ vùng xanh được an toàn và dần củng cố mở rộng vùng xanh.
Ví dụ như huyện Củ Chi, ban đầu chỉ có hai xã là vùng xanh, dần dần bằng nhiều biện pháp mở rộng thì đến giờ này có nhiều mảng xanh hơn. Hay huyện Cần Giờ, Nhà Bè cũng cố gắng giữ mảng xanh; các quận trung tâm cố gắng làm sạch địa bàn, làm nhiều biện pháp như giãn cách, xét nghiệm để “chuyển màu”, có nhiều vùng xanh hơn trên bản đồ.
Ông Mãi nhấn mạnh đây là bước chuyển trọng tâm thời gian tới. “Bên cạnh bao vây làm hẹp lại vùng đỏ, vùng nguy cơ rất cao thì mở rộng vùng xanh cũng rất cần thiết” – ông Mãi nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: “TP đã đặt ra ba tình huống, cách đây một tuần. TP đã nỗ lực nhưng không đạt được tình huống thứ nhất – là tình huống chúng ta mong muốn nhất. Trước mắt chúng ta sẽ đối mặt với tình huống thứ 2, tức là tiếp tục Chỉ thị 16 và có một số biện pháp tăng cường, ở một số địa bàn cần siết chặt hơn nữa” .
Ông khẳng định TP phải làm việc này để cố gắng kết thúc thời gian áp dụng Chỉ thị 16 như các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam.
Sản xuất và cung ứng hàng hoá an toàn ra sao?
Về vấn đề sản xuất an toàn, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho rằng việc sản xuất của TP rất quan trọng. Bởi đó là công ăn việc làm của hàng triệu công nhân, là kinh tế - xã hội của TP. “Là câu chuyện nếu chúng ta không tiếp tục sẽ bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thị trường trong và ngoài nước cũng sẽ mất, sau này chiếm lại thị trường cũng rất khó”- ông Mãi khẳng định.
Ông Mãi thông tin, vừa qua TP đề ra tiêu chí sản xuất an toàn với phương thức “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến 1 cùng đường” nhưng quá trình chuẩn bị chưa kỹ lắm, dẫn đến việc áp dụng ở một số nơi chưa an toàn.
TP đã nhận thấy việc này, đã làm việc với các khu công nghiệp, hiệp hội và thống nhất hơn ai hết là doanh nghiệp muốn an toàn trước tiên. Tuy nhiên, không để sản xuất đứt gãy, đánh mất thị trường.
Ông Mãi khẳng định sắp tới TP tiếp tục có điều chỉnh, có biện pháp làm sao an toàn nhất để tổ chức sản xuất. “Có thể không phải là 3 tại chỗ, hoặc 3 tại chỗ nhưng đã vào ở chung với nhau thì phải test âm tính, đảm bảo không tiềm ẩn, không bị lây lan” – ông Mãi nói và cho biết, có thể quy mô cũng sẽ giảm xuống tối thiểu đến mức có thể, để đảm bảo giãn cách. Đồng thời, chỗ ở cũng phải được tổ chức để công nhân sản xuất trong thời gian dài, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý.
“Tất cả những vấn đề này không phải chuẩn bị cho 10 ngày tới, hai tuần mới mà phải chuẩn bị cho khoảng thời gian lâu dài, có thể hết năm nay” - ông Mãi nhấn mạnh.
Về cung ứng hàng hóa an toàn, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận việc mở lại điểm trung chuyển ở chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn và một số chợ truyền thống không phải là mở lại chợ mà phải mở lại chợ an toàn.
Theo ông Mãi, tiêu chí của việc này là lực lượng bốc vác, phân phối hàng hoá không tiếp xúc với tài xế, không tiếp xúc với lực lượng điều phối hàng hoá; từng khâu không tiếp xúc với nhau.
TP đã có quy trình, cố gắng điều chỉnh làm sao khởi động lại các chợ an toàn, kể cả các chợ truyền thống. Làm sao đảm bảo giãn cách, tránh lựa hàng hoá, trả giá…. Từ đó tổ chức các chợ an toàn chứ không phải làm 1-2 ngày rồi trở thành ổ dịch mới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành liên quan để chuẩn bị cho...
Nguồn: [Link nguồn]