TP.HCM chuẩn bị lễ tưởng niệm đồng bào mất vì COVID-19
“Tôi rất xúc động khi TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm cho vợ tôi và những người mất do dịch COVID-19. TP luôn quan tâm, nhớ đến nỗi đau của chúng tôi” - ông Bùi Văn Chí (ngụ huyện Bình Chánh).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký ban hành Kế hoạch 3759 về tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Buổi lễ thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự chia sẻ trước những mất mát, đau thương của hàng vạn gia đình tại TP.HCM đã mất đi người thân, đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với lực lượng đã và đang tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Buổi lễ được tổ chức dưới danh nghĩa của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành ủy TP.HCM. Đơn vị tổ chức là Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tính đến nay, toàn địa bàn TP.HCM ghi nhận tổng cộng 17.055 trường hợp tử vong do dịch COVID-19.
Cha mất vì dịch COVID-19, Nguyệt (huyện Bình Chánh) bây giờ thay cha chăm lo cho các em. Ảnh: NGỌC LÀI
Đồng loạt nhà thờ, chùa tại TP.HCM cùng đổ chuông vào chiều 19-11
Theo kế hoạch, buổi lễ được tổ chức lúc 19 giờ ngày 19-11, tại Hội trường Thống Nhất (quận 1), TP Thủ Đức và các quận, huyện. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp.
Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất sẽ có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành vùng trọng điểm phía Nam. Đặc biệt có sự góp mặt của đại diện các thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.
Trong khi hoạt động diễn ra, ban tổ chức sẽ trình chiếu một số hình ảnh phóng sự của TP.HCM qua cuộc chiến sinh tử với đại dịch.
Chị Thúy (46 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) một mình nuôi hai con sau khi chồng mất vì dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC LÀI
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam hoặc lãnh đạo TP.HCM sẽ phát biểu tại chương trình.
Nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 được bắt đầu lúc 19 giờ 30 ngày 19-11.
Để chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm, UBND TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành; quận, huyện và các đơn vị liên quan.
Đại diện Sở GTVT cho biết sở gửi văn bản cho các đơn vị, các tàu thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại các cụm cảng sẽ đồng loạt kéo còi tưởng niệm lúc 19 giờ 30 ngày 19-11.
Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP, cho biết đây là một hành động vô cùng ý nghĩa để tưởng niệm người mất do dịch COVID-19. Theo đó, đơn vị sẽ bố trí năm tàu lớn ở bến Bạch Đằng để kéo còi tưởng niệm... và đơn vị cũng kiến nghị với Sở GTVT để cùng tham gia hoạt động này.
Sở TT&TT được yêu cầu phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo, đài có kế hoạch tập trung thực hiện các phóng sự, viết tin bài... tuyên truyền trước, trong và sau lễ tưởng niệm. Trong ngày 19-11, các cơ quan báo chí TP (báo in, điện tử) dành trang 1 thiết kế màu trắng, đen và thông tin đến nhân dân TP về thời gian, chương trình lễ tưởng niệm để người dân cùng tham gia.
Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ TP.HCM) chịu trách nhiệm vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) trên địa bàn TP, tùy theo tình hình thực tế tổ chức tưởng niệm phù hợp; cùng đánh chuông tưởng niệm lúc 19 giờ 30 ngày 19-11.
Giáo hội Phật giáo TP.HCM sẽ tổ chức đại lễ cầu siêu vào sáng 18-11 (tức 14-10 âm lịch) hiệp lực cầu nguyện cho đồng bào tử vong COVID-19. Cùng với việc tổ chức ở Việt Nam Quốc tự, các chùa, tự viện trên địa bàn TP.HCM đồng loạt cử hành trì tụng kinh theo pháp môn hồi hướng đến đồng bào tử vong COVID-19 được vãng sinh về cõi lành, cầu nguyện quốc thái dân an, bệnh dịch sớm tiêu trừ.
Trong ngày Chủ nhật (17-10) vừa qua, Ban Thường vụ Hội đồng giám mục Việt Nam đã cử hành ngày toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành mùa đại dịch. Tất cả linh mục cử hành thánh lễ theo ý chỉ chung: Cầu cho bệnh nhân, cho người đã qua đời, cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, cho người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh.
UBND các quận, huyện tùy theo diễn biến dịch tại địa phương chủ động chọn địa điểm và tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.
“TP tổ chức như vậy, tôi cảm thấy được an ủi” TP tổ chức được như vậy, tôi cảm thấy rất an ủi. Thực ra, chúng tôi có nhà cửa ở TP thì nỗi xót xa sẽ không bằng những người xa quê. Lễ tưởng niệm này rất ý nghĩa với những vong linh người ở xa quê, tôi rất mừng cho họ. Chị NGÔ THỊ THÚY (quận Bình Thạnh) có chồng mất vì dịch COVID-19 |
“Bữa đó, tôi sẽ cúng mâm cơm cho vợ, cho cha”
Ông Bùi Văn Chí, sinh năm 1966, tạm trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, có vợ và mẹ vợ mất do dịch bệnh COVID-19 hồi giữa tháng 8-2021. Hiện tại, ông làm thợ hồ, kiếm tiền nuôi cháu gái ăn học. Mỗi ngày, ông đều dẫn cháu đến công trình vì không còn ai trông nom.
Biết tin TP.HCM sẽ tổ chức lễ tưởng niệm người mất do COVID-19 vào ngày 19-11, ông Chí chia sẻ: “Vợ tôi mất ngày 13-8, kể ra lễ tưởng niệm chung cũng đúng vào lễ cúng 100 ngày vợ tôi mất. Ngày đó, tôi sẽ cúng mâm cơm, mời bà ấy quây quần với hương linh những người đã mất do COVID-19. Hiện tại, tôi vẫn gửi tro cốt của vợ ở chùa Lộc Giả, quận 8. Hôm đó, tôi nghe nói chùa cũng làm mâm cơm chay cúng người đã khuất. Tôi rất xúc động khi TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm cho vợ tôi và những người mất do COVID-19. TP luôn quan tâm, nhớ đến nỗi đau của chúng tôi. Nỗi buồn nào cũng phải nguôi ngoai, chúng tôi cũng sẽ hướng về tương lai để cuộc sống tốt hơn”.
Sau khi chồng mất do COVID-19 vào ngày 18-7, chị Ngô Thị Thúy (46 tuổi, ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ. Gánh hàng rong của chị mấy bữa nay ế ẩm nhưng chị vẫn lạc quan vì có chính quyền luôn quan tâm.
Chị Thúy nói: “Tôi ít học nên cũng không biết tin TP tổ chức lễ tưởng niệm. Ngày 12-11, tôi có nghe chị gái nhắc đến lễ tưởng niệm. Bữa đó, tôi sẽ tranh thủ đi bán về sớm, làm mâm cơm đặt lên bàn thờ cho ấm cúng. Mỗi lần nhắc đến, gia đình chúng tôi rất buồn nhưng luôn nghĩ sẽ cố gắng vươn lên để làm lụng. Anh vắn số thì phải chấp nhận thôi”.
Hiện tại, Lê Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 1988, ngụ huyện Bình Chánh) vừa làm cha vừa làm mẹ của năm đứa em nhỏ. Những đứa em thiếu tình thương của mẹ, nay mất cha vì dịch COVID-19, chỉ còn biết bấu víu vào người chị. Nhắc đến người cha đã mất do COVID-19 vào ngày 13-8, Nguyệt lại nghẹn ngào: “Hễ nhắc đến cha, tôi lại thấy buồn, mấy đứa nhỏ cũng vậy, nghe chuyện về cha sẽ khóc nức nở. Đến lễ tưởng niệm chung của TP, tôi sẽ làm mâm cơm cúng cha, cũng mời những vong linh không may qua đời vì dịch COVID-19 về quây quần. Tôi cũng cầu mong hương linh của người đã mất thấy ấm áp, an ủi phần nào”.•
Lễ tưởng niệm “làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại” Sáng 12-11, bên lề phiên chất vấn kỳ họp thứ hai Quốc hội (QH) khóa XV, trao đổi với báo chí về lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP cho rằng đây là hành động “làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại” - ông Mãi chia sẻ. Cũng theo ông Mãi: “Qua tưởng niệm lần này, nhắc nhở chúng ta rằng chuyện thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhắc nhở những gì mà chúng ta đã trải qua từ trận đại dịch vừa qua để có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh như vậy trong thời gian tới. Từ đó, làm sao giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại”. Ông Mãi cũng nhìn nhận TP.HCM là tâm dịch, chịu ảnh hưởng nhiều nhất nên vừa qua TP đã chủ động chuẩn bị việc tổ chức lễ tưởng niệm. “Buổi lễ này không chỉ tưởng niệm, chia sẻ với đồng bào, gia đình có người thân mất vì COVID-19 ở TP.HCM mà còn ở cả nước” - ông Mãi nói và cho biết hiện TP.HCM đang rất khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về hậu cần, kỹ thuật, nội dung cho lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng, chu đáo, phù hợp với tính chất, ý nghĩa. |
Tại Hà Tĩnh ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 cộng đồng là nữ nhân viên quán hát, ngành chức năng đã truy vết được hơn 400 người...
Nguồn: [Link nguồn]