TP.HCM: Chó vô chủ sẽ bị xử lý ra sao sau thời hạn 72 giờ?

Sự kiện: Cấm thả rông chó

Đại diện Chi cục Thú y TP.HCM đã giải thích rõ quá trình bắt, nuôi giữ và xử lý chó chạy rông vô chủ.

TP.HCM: Chó vô chủ sẽ bị xử lý ra sao sau thời hạn 72 giờ? - 1

Chú chó 3 tuổi thuộc giống chó Fox bị Đội Săn bắt chó thả rông bắt vào sáng 12/9.

Cho, tặng hoặc tiêm thuốc rồi thiêu hủy

Những ngày qua, nhiều tranh cãi đã nảy ra liên quan tới công tác bắt chó thả rộng trên địa bàn TP.HCM do Đội Săn bắt chó (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) thực hiện. Trong đó, những vấn đề khiến nhiều người thắc mắc là: “Chó sẽ bị tiêu hủy như thế nào nếu không có người đến nhận sau 72 giờ?”, “Chó bị bắt, có bao nhiêu người biết và đến chuộc lại?”,...

Về những vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Trí - Trạm trưởng Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM).

Theo ông Trí, công tác bắt chó thả rông trên địa bàn TP.HCM đã được ngành thú y thành phố triển khai thực hiện từ thập niên 80. Cụ thể là năm 1997, UBND TP.HCM có ban hành quyết định 2073/QĐ-UB-KT về việc tiêm phòng bệnh dại và bắt chó chạy rông. UBND TP.HCM giao trách nhiệm cho Chi cục Thú y thường xuyên tổ chức bắt chó chạy rông và tiêm phòng dại định kỳ ở các quận, huyện thành phố.

TP.HCM: Chó vô chủ sẽ bị xử lý ra sao sau thời hạn 72 giờ? - 2

 Ông Phạm Minh Trí - Trạm trưởng Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM).

“Chó thả rông trong phạm vi lòng lề đường, nơi công cộng sẽ bị cơ quan thú y bắt, tạm giữ tại số 252 Lý Chính Thắng (P.9, Q.3). Khi chủ nhân đến nhận chó thì họ sẽ phải nộp phạt theo quy định. Đối với chó bị bắt, tạm giữ quá 48 giờ mà chủ nuôi không đến nhận thì xem như chó vô chủ, được xử lý theo quy định. Chủ chó không được quyền khiếu nại”, ông Trí thông tin.

Ông Trí cho biết thêm, Chi cục Thú y xử lý chó thả rông vô chủ mà không phân biệt chủng loại. Thực tế, Đội Săn bắt chó thả rông (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) rất ít bắt được các loại chó quý về giá trị kinh tế cũng như chó quý về mặt tình cảm, vì chủ quý chúng và giữ kỹ. Nếu không may chúng bị bắt do chạy rông thì cũng đều có chủ đến nhận.

Còn lại, tất cả các trường hợp chó vô chủ đều sẽ được gửi đến các trường để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, hoặc tiêu hủy bằng cách tiêm thuốc cho chết rồi đốt ở bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM), trong đó đã có những trường hợp chó không nhiễm bệnh cũng bị tiêu hủy.

Cứ 3 chú chó bị bắt thì 2 con có chủ tới nhận

Theo ông Trí, tính từ đầu năm 2017 đến nay, trung bình cứ 3 chú chó bị bắt thì 2 con có chủ tới nhận. Cụ thể là Đội Săn bắt chó thả rông đã bắt được 54 con chó các loại, trong đó có 36 trường hợp có chủ tới nhận, chiếm tỉ lệ 66,67%. Trước đó, trong các năm 2015 và 2016, số chó có chủ tới nhận tương ứng là 64/108 con (chiếm 59,26%) và 26/37 con (chiếm 70,27%).

TP.HCM: Chó vô chủ sẽ bị xử lý ra sao sau thời hạn 72 giờ? - 3

Chị V.Y.Vy (24 tuổi, ngụ phường Tân Thuận Tây, Q.7) đang làm việc với Chi cục Thú y TP.HCM để nhận lại chó bị bắt do chạy rông vào sáng 12/9, với số tiền phạt là 200.000 đồng.

Về những quy định xử phạt hành vi thả rông chó nơi công cộng, hiện, Chi cục Thú y TP.HCM đang áp dụng điểm c khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

Đặc biệt, trường hợp chủ vật nuôi không tiêm phòng vắc-xin dại cho chó thì sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 2 của Nghị định 41/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP). Tính đến nay, trên toàn địa bàn TP.HCM chỉ mới có duy nhất 1 trường hợp bị xử phạt về lỗi này với số tiền 2,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, kể từ ngày 15/9 sắp tới, Chi cục Thú y TP.HCM sẽ áp dụng điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP để xử phạt các trường hợp: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Cũng kể từ ngày 15/9, theo điểm a khoản 1 Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng đã giảm xuống. Theo đó, chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm nói trên.

Video: Đội săn bắt chó tóm gọn chó thả rông trong... ”vài nốt nhạc”

Để bắt chó thả rông, thành viên Đội Săn bắt chỉ mất 8 giây tính từ khi xuống xe tới lúc đưa được con chó vào lồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Cấm thả rông chó Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN