TP.HCM cần làm gì để tết không phải giãn cách?
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, mọi người dân đều phải thay đổi tâm thế, tư duy và thói quen để thích ứng với dịch COVID-19, ngay cả khi có biến chủng mới.
Ngày 20-12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về việc điều động, chỉ định ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức bí thư Quận ủy quận 10 nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi trao quyết định. Ảnh: TÁ LÂM
Mọi người dân đều phải thay đổi tâm thế
Phát biểu tại buổi trao quyết định, cùng với việc giao nhiệm vụ cho tân bí thư Quận ủy và Đảng bộ quận 10, Bí thư Thành ủy TP cũng dành nhiều thời gian để nói về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn và nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là khi dịp tết cận kề. Ông kỳ vọng với những quyết tâm cao, năm 2022 sẽ là năm TP.HCM đón nhận nhiều niềm vui mới.
Theo ông Nên, biến chủng Omicron đã có mặt ở khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số nước đã có những quy định nghiêm ngặt hơn, siết chặt các hoạt động. Tuy nhiên ở Việt Nam, các lực lượng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vất vả trong việc ứng phó với biến chủng Delta.
“Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không được thực hiện tốt thì tình hình sẽ rất căng thẳng nếu biến chủng Omicron tới Việt Nam hoặc có mặt tại TP.HCM” - ông Nên nói và đề nghị trong giai đoạn này mọi người dân đều phải thay đổi tâm thế, tư duy, thói quen để thích ứng với dịch COVID-19.
Có thể hiểu việc thay đổi này đồng nghĩa với sống chung với dịch COVID-19, ngay cả khi có biến chủng mới. Do vậy, người dân cần hạn chế thói quen bình thường. Không chỉ bảo vệ chính mình, mỗi người phải biết bảo vệ cả người thân bên cạnh, bảo vệ cộng đồng thì xã hội mới có thể tiến tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
“Tết năm nay, nếu như chúng ta không muốn phục hồi các biện pháp giãn cách căng thẳng như trước, chỉ có một cách là củng cố nội lực từ chính bên trong. Đây là điều kiện tiên quyết, cũng là lợi thế của TP.HCM” - ông Nên nói và cho rằng khi phát hiện F0, các loại thuốc cần được cấp phát ngay. Thuốc điều trị sẽ giúp giảm tỉ lệ nguy cơ nặng, tử vong.
Theo thống kê của ngành y tế, khoảng 20%-30% ca mắc COVID-19 chưa được tiếp cận thuốc. “Vì sao dẫn đến nguyên nhân trên và cách nào để khắc phục?” - ông Nên đặt câu hỏi và cho rằng những việc đó TP.HCM có thể thực hiện được khi hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chăm sóc kỹ, quan tâm đặc biệt các F0. Tổ y tế lưu động cần tư vấn, hỗ trợ ngay khi các trường hợp mắc COVID-19 có nhu cầu.
Cũng theo ông, chủ trương của ngành y tế TP.HCM là xin tăng cường từ Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Nên cho rằng sẽ khó để TP nhận được sự hỗ trợ như giai đoạn trước vì nhiều tỉnh, thành cũng khó khăn. “Phương án khả thi hiện nay là cần phát huy cao độ phương châm tại chỗ như huy động y tế tư nhân, Đông - Tây y kết hợp” - người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhìn nhận.
Tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 là một trong những vấn đề cần bàn tới trong thời điểm hiện tại. Các số liệu cho thấy khoảng 50% trường hợp tử vong do COVID-19 là người chưa được tiếp cận vaccine.
“Những người đã tiêm đủ hai mũi, tiêm các mũi bổ sung, sức khỏe tốt, không có bệnh nền, không lớn tuổi sẽ vượt qua dịch bệnh rất nhanh. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần tập trung bảo vệ” - ông Nên nhấn mạnh.
Đối với những người chưa tiêm vaccine, Bí thư Thành ủy cho rằng cần bảo vệ họ bằng cách thống kê, nắm bắt, rà soát hoàn cảnh từng trường hợp. Bởi họ là những người có tỉ lệ diễn biến nặng, tử vong ở mức cao nếu lây nhiễm.
Ông cho biết ngành y tế đã đưa ra nhiều lời khuyên cho nhóm này, trong đó có việc hạn chế tiếp xúc, giao lưu, đi lại nhưng việc lây nhiễm lại không chỉ đến từ nguyên nhân chủ quan từ họ. “Khi thực hiện giãn cách, họ rất an toàn vì chỉ ở nhà, không đi đâu. Tuy nhiên, khi kết thúc giãn cách, chính những người thân, khỏe mạnh lại mang mầm bệnh từ bên ngoài do giao lưu, tiếp xúc…” - ông Nên nói.
Chính vì thế, Bí thư Thành ủy cho rằng bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 là trách nhiệm chính của những người xung quanh, chứ không chỉ riêng bản thân họ.
Người đứng đầu phải là tấm gương rèn luyện Phát biểu giao nhiệm vụ cho ông Lê Văn Minh, Bí thư Thành ủy TP.HCM mong muốn tân bí thư Quận ủy quận 10 cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ quận nỗ lực, quyết tâm vượt mọi khó khăn để tăng tốc trong giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội và đời sống của người dân được nâng lên. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trước mắt của quận là quan tâm chính sách chăm lo cho đội ngũ tuyến đầu, bàn giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh, thực hiện chiến lược bảo vệ người có nguy cơ cao… Đối với cá nhân ông Minh, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM mong muốn phải là tấm gương, luôn nỗ lực rèn luyện, phải thấu cảm với anh em, để mỗi người làm đúng và làm tốt vai trò được giao trên từng cương vị. “Lãnh đạo nói là phải làm, phải thực hiện cho có giá trị với lời nói của mình. Nhận nhiệm vụ là hành động liền, bắt tay ngay vào công việc chứ không có thời gian để chuẩn bị” - ông Nên yêu cầu. |
Nguồn: [Link nguồn]
“Và cái Tết sắp tới đây sẽ là cái Tết rất khó khăn của bà con” - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi như thế...