TP HCM trở thành "vùng xanh": Điều gì cần lưu ý?
Hiện TP HCM đang là "vùng xanh" - vùng có nguy cơ thấp về dịch bệnh Covid-19 nên sẽ có những hoạt động được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn đưa ra những khuyến cáo...
- Phóng viên: Ngành Y tế đã đưa ra những giải pháp phòng, chống dịch như thế nào khi TP HCM đã trở thành "vùng xanh" - nguy cơ thấp, thưa bà?
+ Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM: Hiện nay, TP đang đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin mũi 3 (mũi nhắc lại, mũi bổ sung) cho toàn dân trên địa bàn.
TP HCM cũng đang thực hiện tốt chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ đối với các đối tượng chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc chưa tiêm đủ. Ở chiến dịch này, ngành y tế thực hiện công tác vận động cũng như tìm hiểu lý do, đồng thời hỗ trợ tối đa để mọi người được tiêm vắc-xin.
Ngoài ra, khoảng giữa tháng 1-2022, ngành y tế TP tiếp tục xét nghiệm 1 lần nữa cho toàn bộ đối tượng nguy cơ. Sau đó, giữa tháng 2, tiếp tục mở rộng chương trình bảo vệ người nguy cơ theo bảng phân loại nguy cơ của Bộ Y tế là người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai để phòng ngừa càng nhiều càng tốt. Đối với những đối tượng khác sẽ được tiêm vắc-xin khi đến lượt.
Ngành y tế cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, đồng thời vận động người dân tiêm vắc-xin nhằm mục đích bảo vệ chăm sóc sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ quy định 5K bởi biến chủng Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh.
- Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở TP HCM, vậy ngành y tế có những chiến lược gì để ngăn chặn dịch lây lan, bùng phát, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay?
+ Từ lâu TP đã xây dựng chiến lược y tế với 6 nội dung quan trọng. Còn hiện nay TP đang triển khai thực hiện bảo vệ người nguy cơ; có thế trận y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh TP; triển khai tiêm vắc-xin mũi 3. Đây là 3 trong 6 nội dung đang được TP thực hiện.
TP cũng đang củng cố lực lượng của y tế cơ sở cũng như tái cấu trúc lại các bệnh viện và tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho những đối tượng ngoài bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh nền.
Hiện TP HCM đang là "vùng xanh" nên sẽ có những hoạt động được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, theo Nghị định 128 của Chính phủ, khi mở cửa phải an toàn và an toàn mới mở cửa. Đây là nguyên tắc thích ứng, linh hoạt. Những ngành nghề nào được mở thì ngành nghề đó khi hoạt động phải có tiêu chí, điều này UBND TP đã có chỉ đạo từ lâu. Khi cho mở cửa hoạt động, các sở, ngành phải thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng mình quản lý dựa trên các bộ tiêu chí đã được UBND TP ban hành.
Đây là biện pháp ngăn những ca lây nhiễm trong cộng đồng để TP luôn giữ màu xanh.
- Hiện tại, số ca mắc của TP đang có xu hướng giảm và hầu hết người dân tự cách ly, điều trị tại nhà, vậy theo bà có nên bỏ số thống kê ca mắc mới hàng ngày?
+ Theo chỉ đạo của Bộ Y tế thì vẫn làm, chừng nào Bộ Y tế nói ngưng thì TP sẽ ngưng. Hiện ca mắc, ca nhiễm mới ở TP hầu hết không có triệu chứng. Các ca mắc được phát hiện qua xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm nhanh… theo đúng tiêu chí của Bộ Y tế.
Xin cám ơn bà!
Theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021, có 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: - Màu xanh: Mức Bình thường mới. - Màu vàng: Mức Nguy cơ. - Màu cam: Mức Nguy cơ cao. - Màu đỏ: Mức Nguy cơ rất cao. Việc xác định vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng, vùng xanh rất quan trọng, giúp cơ quan chức năng có các giải pháp phòng chống dịch tương ứng với các mức độ nguy cơ. |
Lần đầu tiên, TP.HCM hạ xuống cấp độ 1 dịch COVID-19, sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2, kể từ ngày 19-10-2021.
Nguồn: [Link nguồn]