TP HCM thay đổi sau 50 năm qua các địa danh biểu tượng
Hàng loạt tòa nhà chọc trời, đường và công viên được xây dựng, đầm lầy biến thành khu đô thị... là những thay đổi ở TP HCM sau 50 năm qua các địa danh nổi tiếng.
Khu trung tâm ven sông Sài Gòn hướng về kênh Bến Nghé - Tàu Hủ nay khác biệt so với không ảnh 1955-1960. Sau hơn nửa thế kỷ, nhiều cao ốc mọc lên, nổi bật là Bitexco 68 tầng (262,5 m), từng cao nhất TP HCM. Ven sông, bến Bạch Đằng với công viên, bến tàu, khách sạn... đã được cải tạo khang trang.
Cảnh quan bến Bạch Đằng (quận 1) đã thay đổi nhiều so với năm 1959, qua ảnh chụp của Nguyễn Bá Mậu.
Bến dài khoảng một km dọc sông Sài Gòn, từ cột cờ Thủ Ngữ đến công trường Mê Linh. Ven bến là đại lộ Hàm Nghi, nơi có tòa nhà Quan Thuế (còn gọi là tòa nhà Wang Tai), phố đi bộ Nguyễn Huệ, khách sạn Majestic, các cầu cảng và công viên bờ sông.
Năm 2022, bến được cải tạo trên diện tích hơn 8.000 m2 với kinh phí 26 tỷ đồng, bao gồm lát đá granite, lối đi dạo, tăng mảng xanh và hệ thống chiếu sáng, tưới tự động. Các tàu và nhà hàng nổi được di dời để phát triển du lịch đường thủy.
Toàn cảnh công trường Mê Linh từ trên cao, phía bờ sông Sài Gòn đầu thập niên 1970 của Corbis, đã thay đổi nhiều so với hiện nay. Các nhánh đường tỏa ra từ vòng xoay công trường, như Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Hai Bà Trưng, Thi Sách, vẫn giữ nguyên tên nhưng đã thay đổi với nhiều cao ốc mọc lên. Tượng Trần Hưng Đạo tại công trường sau khi trùng tu đã được đặt lại nguyên trạng.
Tiếp giáp bến Bạch Đằng là đại lộ Nguyễn Huệ, trong ảnh thập niên 1970 và hiện nay. Đầu đường hướng ra sông Sài Gòn, phía cuối là UBND TP HCM (trước 1975 là Tòa đô chánh), được xây từ năm 1898 đến 1909.
Con đường dài khoảng 700 m nối UBND TP với bến Bạch Đằng. Khởi thủy, đây là kênh Kinh Lớn, dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định. Năm 1887, người Pháp lấp kênh và mở đường, đặt tên là Đại lộ Charner.
Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên như hiện nay. Ngoài là tuyến phố sầm uất, con đường từng là chợ hoa xuân tấp nập. Năm 2004, TP HCM khôi phục đường hoa và cải tạo thành phố đi bộ Nguyễn Huệ vào năm 2014.
Hai bờ kênh Bến Nghé - Tàu Hủ từ khoảng năm 1950 đã thay đổi nhiều sau hơn 70 năm. Bên phải kênh (hướng quận 1) là đại lộ Võ Văn Kiệt, thông xe năm 2009, dài khoảng 13 km, nằm trong trục đại lộ Đông - Tây của TP HCM, kết nối với các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Đối diện là khu vực quận 4, quận 8 với các con đường Bến Vân Đồn và Bến Bình Đông.
Cả hai bờ kênh hiện nay được cải tạo khang trang với không gian xanh và nhiều cao ốc. Các cây cầu như Khánh Hội, Mống, Calmete, Ông Lãnh, Chà Và... vẫn được bảo tồn hoặc xây mới, đảm bảo lưu thông giữa hai bên kênh.
Bán đảo Thủ Thiêm năm 1950, qua ảnh chụp từ máy bay, khác biệt nhiều so với hiện tại.
Nằm đối diện quận 1, trước kia bán đảo Thủ Thiêm còn hoang sơ, vùng đầm lầy hoang vu. Hơn 25 năm trước, Chính phủ phê duyệt đồ án xây dựng Thủ Thiêm thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Nơi này đang thay đổi diện mạo với nhiều cao ốc, hạ tầng giao thông được xây dựng.
Một góc bán đảo Thủ Thiêm và trung tâm Sài Gòn năm 1956 trong ảnh của Public Domain, với dãy nhà cạnh sông là xí nghiệp đóng tàu Ba Son.
Ngày nay, tại vị trí này là cầu Ba Son, khánh thành năm 2022. Cầu dài gần 1,5 km, thiết kế dây văng với trụ tháp cao 113 m hình đầu rồng, nghiêng về Thủ Thiêm, trở thành biểu tượng mới của TP HCM. Dải đất gần cầu, thuộc khu đô thị Thủ Thiêm, cũng được chỉnh trang thành công viên dọc bờ sông Sài Gòn.
So với ảnh chụp đầu thế kỷ 20, khu vực chợ Bến Thành đã thay đổi nhiều sau hơn 100 năm. Trước chợ, vòng xoay được xây dựng từ năm 1914, gắn bó với nhiều thế hệ người Sài Gòn. Năm 1964, sinh viên đã đặt tượng bán thân Quách Thị Trang để tưởng nhớ nữ sinh hy sinh trong cuộc biểu tình chống chính quyền lúc bấy giờ. Một năm sau, tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa cũng được đặt tại đây.
Năm 2014, để thi công ga ngầm Metro Bến Thành - Suối Tiên, hai tượng đài này được di dời. Chính quyền TP HCM đang lên kế hoạch cải tạo bùng binh Quách Thị Trang. Các công trình kiến trúc cổ gần chợ, như tòa nhà Hỏa Xa, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM và dãy nhà cổ trên đường Phan Chu Trinh vẫn còn tồn tại.
Không ảnh khu vực Tân Cảng (góc trái) và cầu Sài Gòn năm 1967 khác biệt nhiều so với hiện tại.
Tân Cảng được xây dựng trong thập niên 1960, là nơi khai thác dịch vụ xuất nhập khẩu và vận tải biển, nằm dưới chân cầu Sài Gòn. Ngày nay, nơi này trở thành khu đô thị hiện đại với điểm nhấn là tòa tháp Landmark 81 tầng, cao nhất Việt Nam. Cạnh đó tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa khai thác cuối năm ngoái.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 1969, dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và đổ ra sông Sài Gòn.
Từ năm 1993, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Hơn 10 năm trước, công trình hoàn thành. Chính quyền cũng đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, tạo cảnh quan thành hai tuyến đường đẹp của thành phố.
Chợ Bình Tây, thuộc khu vực Chợ Lớn, trong ảnh năm 1930 gần như không thay đổi so với hiện nay. Chợ Lớn được hình thành từ thế kỷ 17 đến 19, khi cộng đồng người Hoa đến định cư và xây dựng một đô thị sầm uất. Thời Pháp, Chợ Lớn là một thành phố tách bạch với Sài Gòn trước khi được hợp nhất năm 1956.
Ngày nay, khu vực Chợ Lớn tương ứng với quận 5, 6. Khu chợ nổi tiếng nhất mang tên Bình Tây do thương gia người Hoa Quách Đàm xây năm 1928. Chợ có diện tích 25.000 m2, với kiến trúc hình bát quái, gồm 12 cổng và một hoa viên. Năm 2016, chợ được sửa chữa, hoạt động trở lại sau hai năm. Hiện, chợ có hơn 2.300 sạp hàng và đón khoảng 120.000 khách quốc tế mỗi năm.
Không ảnh khu Lăng Cha Cả năm 1966 qua ảnh của Alan Beckler với hiện tại. Ngày nay khu vực này là một nút giao thông quan trọng của thành phố. Đây là điểm giao cắt của các trục đường lớn như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Sĩ, Bùi Thị Xuân.
Tên gọi Lăng Cha Cả bắt nguồn từ khu lăng mộ rộng 2.000 m2 tại đây, nơi an nghỉ của giám mục người Pháp tên Bá Đa Lộc, có công trong việc dựng nên triều Nguyễn. Sau năm 1975, lăng được giải tỏa để mở rộng lối đi, phục vụ phát triển đất nước. Năm 2013, TP HCM khánh thành cầu vượt bằng thép ở đây nhằm giải tỏa sức ép do lượng xe qua lại quá đông.
Ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) ngày nay sầm uất và đông đúc hơn nhiều so với ảnh chụp năm 1969.
Đây là một nút giao thông quan trọng, cửa ngõ Tây Bắc thành phố, nơi người dân có thể di chuyển về trung tâm qua đường Cách Mạng Tháng Tám, ra chợ Lớn, quận 8 qua ngã Lý Thường Kiệt, lên sân bay Tân Sơn Nhất qua đường Hoàng Văn Thụ, hoặc đi về Hóc Môn, Củ Chi qua Trường Chinh.
Ngày nay, nghĩa trang quân đội Pháp (góc phải ảnh đầu) đã được cải tạo thành Trung Tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, xung quanh là các khu dân cư. Hai lô đất trống trước đây đã được xây dựng thành trường THPT Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1969 và Bệnh viện Vì Dân (sau này đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất) năm 1972.
Không ảnh ngã tư Phú Nhuận thập niên 1960 qua ống kính của Bob Bahl và hiện tại. Trong ảnh tư liệu, góc trái đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu), phải là đường Võ Di Nguy (nay là đường Hoàng Văn Thụ), còn lại là đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm và Phan Đình Phùng). Tòa nhà màu trắng ở góc Chi Lăng - Võ Tánh vẫn còn, từng là trụ sở ngân hàng. Đối diện tòa nhà có dấu chữ thập đỏ là Bệnh Viện Cơ Đốc, hiện là Hội Chữ thập đỏ quận Phú Nhuận.
Ngã tư Phú Nhuận là nút giao thông quan trọng để đi về Gò Vấp, sân bay Tân Sơn Nhất và vào trung tâm thành phố. Nơi này này có mật độ xe đông đúc, thường xuyên ùn tắc.
So với thập niên 1960, Xa lộ Hà Nội (trước 1975 là Xa lộ Biên Hòa) đã được mở rộng đáng kể, với hai bên đường mọc lên nhiều cao ốc và khu dân cư san sát. Chạy dọc xa lộ là tuyến metro đầu tiên của thành phố.
Xa lộ Hà Nội, dài 31 km, nối TP HCM với thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), được xây dựng từ năm 1957 đến 1961. Con đường bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ (trước 1975 là cầu Phan Thanh Giản) và kết thúc tại ngã tư Tam Hiệp. Năm 1984, xa lộ được đổi tên thành Xa lộ Hà Nội để kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô. Đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến cầu vượt Trạm 2 còn được gọi là quốc lộ 52.
Khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7) vào năm 1990 vẫn còn là đầm lầy hoang sơ. Sau hơn 30 năm, nơi đây đã chuyển mình thành một khu đô thị hiện đại.
Phú Mỹ Hưng được quy hoạch từ năm 1993 trên diện tích khoảng 2.600 ha, phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế. Khu đô thị gồm trung tâm hành chính, làng đại học, khu kỹ thuật cao cùng hệ thống tiện ích hoàn chỉnh về giáo dục, y tế, thương mại, giải trí và không gian xanh.
Hà Nội Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia là bãi đất có dừa mọc ven Hồ Gươm, đến thời Pháp là bến đỗ trung tâm của mạng lưới tàu điện.
Nguồn: [Link nguồn]
-03/04/2025 09:30 AM (GMT+7)