Vụ án Đại học Đông Đô: Phần thưởng 7 triệu đồng/hồ sơ làm bằng giả
Tại phiên toà, cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô - Dương Văn Hòa khai quy trình cấp bằng chỉ cần nộp đủ tiền, không cần học. Còn nữ hiệu phó thừa nhận được trường cho “phần thưởng” 7 triệu đồng/hồ sơ, nếu lôi kéo được học viên làm bằng giả.
Sáng 23/12, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đại học Đông Đô. Tòa triệu tập trên 200 người liên quan nhưng chỉ hơn 20 người có mặt. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo có đơn xin vắng mặt.
Trả lời xét hỏi, bị cáo Dương Văn Hoà, thừa nhận cáo trạng buộc tội là đúng, song ông cho rằng, hành vi phạm tội của mình thực hiện dưới sự “tác động khách quan”.
Ông Hòa cho biết, HĐQT trường Đại học Đông Đô có 7 thành viên, về bản chất chỉ “có mặt cho đủ”, không hề góp vốn. Chủ sở hữu ngôi trường này chính là Chủ tịch HĐQT Trần Khắc Hùng.
Về chủ trương đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả, ông Hòa khai trường thực hiện cuối năm 2018. Quy chuẩn đào tạo học viên có điều kiện: “Đã tốt nghiệp Đại học văn bằng 1; phải có nhu cầu học và phải có tiền. Trong đó, số tiền nộp thấp nhất 29 triệu, cao nhất là 35 triệu đồng. Quá trình đào tạo, học viên chỉ cần nộp tiền đủ sẽ được cấp bằng và chứng chỉ, không nhất thiết phải đi học”.
Vẫn theo bị cáo Hoà, ông Trần Khắc Hùng là người quyết định chủ trương cấp bằng ngôn ngữ Anh không qua đào tạo; còn Hòa giữ vai trò ký, cấp 429 bằng giả và đóng dấu cho học viên. Các khâu thu tiền, hợp pháp hóa hồ sơ do đối tượng khác làm.
Với số tiền bất chính hơn 7,1 tỷ đồng thu từ việc cấp bằng giả, Hòa nói không được hưởng chênh lệch. Khi HĐXX nhắc đến trong quá trình tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, Đại học Đông Đô có khoản tiền “thưởng” cho những ai giới thiệu học viên, trong đó, ông Hòa bị cáo buộc giới thiệu 4 người nhưng bị cáo này khẳng định, không nhận “tiền hoa hồng”.
Bị cáo Dương Văn Hòa (hàng đầu, giữa) và đồng phạm tại tòa
Đã tham khảo luật sư?
Bị cáo Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục) khi được xét hỏi đã thừa nhận ký 16 danh sách cho 250 cá nhân trong việc cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Theo bà Oanh, nhà trường có quy định sẽ cho người giới thiệu 7 triệu đồng/ hồ sơ, nếu lôi kéo được học viên làm bằng giả.
Bà Oanh khai từng thắc mắc về quy trình cấp bằng kiểu này nhưng được ông Trần Khắc Hùng giải thích “đã tham khảo luật sư, nếu vi phạm chỉ bị xử lý hành chính”. Ngoài ra, ông Hùng còn nói nếu sai, cá nhân ông sẽ chịu trách nhiệm, bởi thế bà Oanh đã làm theo chỉ đạo.
Cuối phần trình bày, bị cáo gửi lời cảm ơn cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã “giúp” bà nhận thức được sai trái trong vụ việc.
Tiếp tục xét hỏi buổi chiều, bị cáo Trần Ngọc Quang (Phó Trưởng phòng đào tạo và Quản lý sinh viên) khẳng định mình làm sai khi tham gia ký nháy bảng điểm, văn bằng. Đồng thời, ông thừa nhận hưởng lợi 285 triệu đồng từ 37 học viên “bồi dưỡng”.
“Bị cáo gặp hoàn cảnh khó khăn, kiếm tiền chữa bệnh tuổi già, giá như bị cáo nghỉ hưu từ 2015, quyết không làm nữa thì đã không xảy ra chuyện”, ông Quang nói.
7 bị cáo còn lại, gồm: Lê Ngọc Hà (Phó Hiệu trưởng), Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng Phòng Tài chính, kế toán), Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Lê Thị Lương, Ngô Quang Hiển, khi xét hỏi đều thành khẩn thừa nhận phạm tội. Họ mong HĐXX cho hưởng khoan hồng.
Theo cáo trạng, quá trình tuyển sinh đào tạo của Đại học Đông Đô, Trần Khắc Hùng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm, cấp văn bằng giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu. Từ tháng 4/2018 - 3/2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. |
Cựu hiệu trưởng Đại học Đông Đô khẳng định chỉ làm theo chỉ đạo của chủ tịch HĐQT, nếu không ký vào các văn...
Nguồn: [Link nguồn]