TP HCM: 3 bệnh viện mua kit test Việt Á
Chiều 10-1, tại buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết theo báo cáo, TP HCM có 3 bệnh viện mua kit test của Công ty Việt Á.
Theo đó, 3 bệnh viện mua kit test của Công ty Việt Á gồm: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện quận Bình Tân.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM thông tin tại buổi họp báo
"3 đơn vị này đang được cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, chưa có kết luận cuối cùng. Do vậy khi nào có kết quả điều tra cụ thể Sở Y tế sẽ thông tin thêm, vì đây là nguyên tắc của thanh tra, kiểm tra" - bà Mai nói.
Về công tác chăm sóc F0 trên địa bàn, bà Mai cho biết đến thời điểm này, ngoài 310 trạm y tế, TP còn thành lập thêm 391 trạm y tế lưu động. Số trạm y tế lưu động phụ thuộc vào số lượng F0 điều trị tại nhà.
Liên quan tổ quân y chăm sóc F0, từ trước đến nay, tổ đảm trách 168 trạm y tế lưu động với 406 người. Sau khi lực lượng này rút đi, ngành y tế vẫn duy trì nhân sự để ứng phó với F0. Nguồn nhân sự bổ sung cho trạm y tế lưu động là nguồn từ các bệnh viện, lực lượng y tế tư nhân, Hội đông y, Hội Chữ thập đỏ... Bên cạnh đó, lực lượng bác sĩ mới ra trường cũng được bổ sung. Ngành y tế sẽ tập huấn và có cơ chế chính sách đảm bảo hoạt động của lực lượng này ở trạm y tế lưu động.
Ngoài ra, còn có lực lượng sinh viên của các trường y đang học năm thứ 5 và 6 trên địa bàn TP cũng sẽ tham gia việc hỗ trợ thăm hỏi chăm sóc, tiêm ngừa và lấy mẫu.
Về chính sách chống dịch cho nhân viên y tế, hiện nay, nhân viên y tế có lương cứng do bệnh viện chi trả. Ngoài ra, lực lượng tình nguyện còn có phụ cấp chống dịch, và nghị quyết 12 cũng quan tâm tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là nhóm sinh viên, bác sĩ tham gia chống dịch ở y tế cơ sở.
Liên quan đến người thuộc đối tượng hậu Covid-19, không chỉ ngành y tế mà cả TP đều quan tâm đến F0 khỏi bệnh. Hiện các bệnh viện đều có phòng khám hậu Covid-19 để tư vấn, hướng dẫn, điều trị cho các đối tượng mắc bệnh. Một số bệnh viện lớn có hẳn 1 khoa điều trị hậu Covid-19. Cấp TP có Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Y học dân tộc, Bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược...
Theo bà Mai, Sở Y tế đang phối hợp với ngành chức năng thực hiện kế hoạch chăm sóc kịp thời người hậu Covid-19. Ngoài việc khám điều trị cho người có bệnh lý cụ thể, các cơ sở còn chăm sóc tinh thần cho đối tượng này.
Về chế độ cho nhân viên trạm y tế dịp Tết Nguyên đán, ngoài các chế độ phụ cấp chống dịch, TP còn ban hành kế hoạch 58 về chăm lo Tết cho các nhóm đối tượng. Trong đó có lực lượng phòng chống dịch ở trạm y tế và trạm y tế lưu động. Dự kiến mỗi đơn vị tại trạm y tế sẽ được một phần quà và 1 triệu đồng, riêng cá nhân tại trạm y tế sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ người.
Cũng tại buổi họp báo, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Đông Y TP HCM, cho biết trong năm 2022, Hội Đông Y TP HCM sẽ tổ chức chương trình "Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc Covid-19" với chủ đề "Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc". Chương trình sẽ diễn ra xuyên suốt 5 tháng từ 14-1 đến 29-4. Trong đó, giai đoạn 1, tập trung chăm lo cho khoảng 6.000 người có công với cách mạng, Đảng viên cao tuổi thuộc 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Giai đoạn 2, tiếp tục chăm lo cho 6.000 người khó khăn sau khi mắc Covid-19 trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, người dân thăm khám được tầm soát bệnh, sàng lọc tư vấn tâm lý hậu Covid-19, chụp X quang tim, phổi; đo tim; siêu âm miễn phí. Đồng thời, hội cũng phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình. |
Nguồn: [Link nguồn]
TP.HCM sẽ thành lập đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng...