Tổng thống Venezuela sẽ tới Mỹ "đối chất" với Obama?
Tổng thống và Quốc hội Venezuela đã phản ứng rất quyết liệt sau khi nước này bị chính quyền Mỹ coi là "mối đe dọa an ninh quốc gia".
Ngày 13/3, Quốc hội Venezuela đã phê chuẩn yêu cầu của Tổng thống Nicolas Maduro, trao thêm quyền lực đặc biệt để tổng thống có thể sử dung các sắc lệnh nhằm chống lại “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” sau khi Venezuela bị Mỹ coi là “mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra một sắc lệnh hành chính gia tăng các lệnh cấm vận đối với Venezuela nhằm chống lại cái mà ông gọi là “mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Sau khi sắc lệnh trên của ông Obama được ban hành, Tổng thống Maduro đã tuyên bố rằng ông có thể sẽ tới Mỹ để "đối chất" cùng với ông Obama về quyết định mà ông cho là “vô đạo đức” này.
Chính phủ của ông Maduro đã yêu cầu Washington trưng ra bằng chứng chứng tỏ Venezuela đã đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ như thế nào, và thậm chí còn tố ngược lại rằng Mỹ đang giúp đỡ những kẻ có âm mưu đảo chính ở Venezuela và đang chuẩn bị cho hành động can thiệp quân sự.
Phát biểu trong một hội chợ sách, ông Maduro nhấn mạnh: “Nhiều khả năng tôi sẽ tới Washington để đại diện cho đất nước tôi và nói với chính phủ Mỹ rằng họ đang phạm phải sai lầm nghiêm trọng”.
Sau khi được Quốc hội chấp thuận, giờ đây ông Maduro có thể ban hành các sắc lệnh đặc biệt có giá trị tương đương với đạo luật trong vòng 6 tháng mà không cần sự phê chuẩn của các nghị sĩ Quốc hội.
Tổng thống Maduro tuyên bố ông sẽ sử dụng quyền lực đặc biệt này để đảm bảo rằng đất nước Venezuela được bảo vệ trước các hành động can thiệp của các quốc gia khác vào công việc nội bộ của mình cũng như các “hoạt động quân sự nhằm mục đích phá hoại hòa bình”.
Tuy nhiên, phe đối lập ở Venezuela thì lại kịch liệt phản đối việc trao quyền lực đặc biệt cho Tổng thống Maduro và tuyên bố rằng ông Maduro đang lợi dụng căng thẳng ngoại giao hiện nay đối với Mỹ để củng cố quyền lực và hướng dư luận ra khỏi các vấn đề kinh tế trong nước.
Lãnh đạo đối lập Henrique Capriles đã nhắc đến tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng các hàng hóa thiết yếu trong nước và nói: “Tổng thống Maduro, liệu ngài có thể giúp xà phòng, giấy vệ sinh, thuốc men xuất hiện cũng như tỉ lệ lạm phát giảm xuống bằng quyền lực đặc biệt không?”
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới như Nga và Argentina cũng như khối các quốc gia Nam Mỹ UNASUR đã gửi thông điệp thể hiện sự ủng hộ đối với Venezuela, và những người phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ đã xuống đường biểu tình chống lại sắc lệnh hành chính trên của Washington.
Phóng viên Glenn Greenwald, người đã dũng cảm đăng tải câu chuyện của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, tuyên bố: “Venezuela là một trong số ít quốc gia có trữ lượng dầu mỏ phong phú nhưng không bán cho Mỹ. Những quốc gia này luôn đứng đầu trong danh sách ‘cần bị quỷ hóa’ của chính phủ và truyền thông Mỹ”.