Tổng thống Mỹ ra sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên vì vụ Sony
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua vừa ký ban hành sắc lệnh mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên khi kiên quyết cho rằng, Bình Nhưỡng phải trách nhiệm cho vụ tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony Pictures.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải).
Tổng thống Obama tuyên bố, quyết định mở rộng trừng phạt Triều Tiên nhằm đáp trả những chính sách và hành động "khiêu khích, gây mất ổn định, bao gồm các hành vi tấn công mạng quy mô của nước này trong tháng 11 và tháng 12.2014".
Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, những hành động của Triều Tiên tạo ra "sự đe dọa liên tục đến an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ".
"Các lệnh trừng phạt bổ sung không nhắm vào người dân Triều Tiên mà chỉ nhằm vào chính phủ Bình Nhưỡng vì những hành động của họ đe dọa đến Mỹ cũng như các đối tượng tác", ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh cho phép mở rộng trừng phạt Triều Tiên khi đang đi nghỉ lễ tại Hawaii.
Mỹ trước đó đã áp đặt cấm vận đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này nhưng đây là lần đầu tiên Nhà Trắng quyết định trừng phạt Bình Nhưỡng vì vấn đề an ninh mạng.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngăn chặn Triều Tiên sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ và người Mỹ bị cấm kinh doanh với Triều Tiên.
Với quyết định mở rộng trừng phạt nhắm vào Triều Tiên, Tổng thống Obama đã tái khẳng định lập trường rằng, ông tin Bình Nhưỡng đứng sau các vụ tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony Pictures dù các chuyên gia bảo mật Internet không dám chắc về điều này.
Một cảnh trong phim hài The Interview kể về nỗ lực ám sát nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un của Sony Pictures.
Trong một tuyên bố hôm qua, Nhà Trắng nhấn mạnh, những biện pháp trừng phạt bổ sung nói trên chỉ là bước đầu tiên trong việc tìm cách trừng phạt Triều Tiên vì "nhiều vụ khiêu khích" bao gồm vụ tấn công mạng nhắm vào hãng Sony Pictures.Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào ba cơ quan, tổ chức và 10 cá nhân, sẽ giúp tăng cường những biện pháp cũ vốn đã áp đặt lên nước này.
Ba cơ quan, tổ chức Triều Tiên chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mới bao gồm cơ quan tình báo Triều Tiên; công ty tham gia hoạt động buôn bán vũ khí nhà nước - Tổng công ty Thương mại Phát triển Khai thác mỏ Triều Tiên; Và cơ quan nghiên cứu quốc phòng Công ty Thương mại Tangun Triều Tiên.
Trong khi đó, 10 cá nhân có trong danh sách trừng phạt có liên hệ trực tiếp với một trong những cơ quan trên hoặc chính phủ Triều Tiên. Những người này làm việc tại Iran, Syria, Trung Quốc, Nga và Namibia. Họ không nằm trong danh sách ban lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên.
Trong một tuyên bố ngày 2.1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhấn mạnh: "Ngay cả khi FBI đang tiếp tục cuộc điều tra vụ tấn công trên mạng nhắm vào Sony Pictures Entertainment, những biện pháp này cho thấy rõ rằng, chúng tôi sẽ sử dụng một loạt những công cụ để bảo vệ doanh nghiệp và người dân Mỹ cũng như để đáp trả những nỗ lực làm suy yếu các giá trị của chúng tôi hoặc đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ".
Nhiều chuyên gia nhận định, Triều Tiên là nước bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới, vì vậy những biện pháp mới công bố có thể chỉ mang tính biểu tượng hơn là trừng phạt.
Trước đó, hồi tháng 12.2014, Tổng thống Obama mạnh mẽ cam kết, Mỹ sẽ "đáp trả tương xứng" vụ tấn công hệ thống máy tính của hãng phim Sony Pictures liên quan đến việc hãng này sản xuất và công chiếu bộ phim châm biếm The Interview kể về nỗ lực ám sát nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un.
Vụ tấn công mạng ban đầu đã khiến Sony Pictures quyết định hoãn chiếu bộ phim The Interview nhưng sau đó quyết định công chiếu giới hạn trở lại tại một số rạp ở Mỹ nhân dịp Giáng sinh.
Hãng phim Sony Pictures tuyên bố đã thu về hơn 1 triệu USD ngay ngày đầu công chiếu có giới hạn phim hài "The Interview" khi nhiều rạp chiếu cháy vé vì dân Mỹ ùn ùn kéo nhau đi xem phim.
Ngoài ra, Sony cũng cho chiếu phim có kinh phí 44 triệu USD này trên các trang mạng YouTube, Google Play và Microsoft Xbox với mức giá thuê gần 6 USD và giá mua là gần 15 USD. Phim dự kiến đạt doanh thu ít nhất 20 triệu USD trong kỳ nghỉ lễ cuối tuần dài của nước Mỹ.
Hãng phim Sony Pictures tuyên bố đã thu về hơn 1 triệu USD ngay ngày đầu công chiếu có giới hạn phim hài "The Interview"