Tổng thống Indonesia bác bỏ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông
Ông Widodo khẳng định cái gọi là "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông không hề có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Ngày 23/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định rằng tuyên bố chủ quyền trong “đường lưỡi bò” nuốt gần như trọn Biển Đông của Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế, và Indonesia sẵn sàng trở thành một “nhà hòa giải trung thực” cho tranh chấp hiện nay trên Biển Đông.
Tuyên bố trên của ông Widodo được đưa ra trong bối cảnh ông vừa mới thực hiện chuyến thăm tới Nhật Bản và Trung Quốc, và đây là lần đầu tiên ông bày tỏ lập trường về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông kể từ khi nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn tờ Yomiuri của Nhật Bản, ông Widodo nói: “Chúng ta cần hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều quan trọng là phải có sự ổn định về chính trị và an ninh để phát triển kinh tế, bởi vậy chúng tôi ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và đối thoại giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc với ASEAN”.
Tổng thống Indonesia nhấn mạnh: “Cái mà Trung Quốc gọi là ‘đường chín đoạn’ không hề có bất cư cơ sở nào theo luật pháp quốc tế”.
Các chuyên gia về luật biển quốc tế cho biết Trung Quốc thường tuyên bố rằng chủ quyền của họ trên Biển Đông nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, và “đường lưỡi bò” phi pháp này cũng thường được Trung Quốc thể hiện trên các bản đồ của mình.
Giải thích rõ hơn về tuyên bố của ông Widodo, cố vấn chính sách đối ngoại của ông là Rizal Sukma nói: “Năm 2009, Indonesia đã gửi lập trường chính thức về vấn đề này tới ủy ban Liên Hợp Quốc về phân định thềm lục địa, trong đó nhấn mạnh rằng ‘đường chín đoạn’ không hề có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế”.
Với tư cách là quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á, Indonesia sẵn sàng đứng ra hòa giải các tranh chấp trên Biển Đông giữa các nước láng giềng với Trung Quốc, ông Sukma nhấn mạnh.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Nhật Bản, Tổng thống Widodo sẽ gặp gỡ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và bộ trưởng quốc phòng hai nước dự kiến sẽ ký một thỏa thuận về quốc phòng.
Thỏa thuận quốc phòng này được cho là nỗ lực mới nhất của Tokyo nhằm tăng cường mối quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á và xây dựng một đối trọng đối với Trung Quốc trong khu vực.
Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã tăng cường đáng kể quan hệ với Philippines và Việt Nam, hai quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Bản thân Nhật Bản hiện cũng đang tranh chấp nhóm đảo Senkaku với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.