Tổng Thanh tra CP: Chỉ số tham nhũng có tính ổn định

Tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn nghiêm trọng.

Trong ba năm qua, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam không tụt cũng không tăng, có nghĩa là có tính ổn định… kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện nay chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa từng bước đẩy lùi được tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã nhận định như thế tại tọa đàm “Chung tay PCTN vì sự phát triển” do Thanh tra Chính phủ cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức nhân Ngày quốc tế PCTN 9-12.

“Trong 10 năm qua, thái độ của người dân đối với tham nhũng đã thay đổi rất nhiều. Người dân ngày càng thể hiện mạnh mẽ hơn thái độ phản đối và không dung thứ cho tham nhũng” - ông Tranh nhấn mạnh.

Tổng Thanh tra CP: Chỉ số tham nhũng có tính ổn định - 1

Đông đảo giới truyền thông và đại biểu tham dự chương trình quan tâm đến gian hàng trưng bày tranh biếm của Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng về chống tham nhũng. Ảnh: P.MAI

Bà Đào Nga, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch, cho rằng không có nhà nước nào tự chống tham nhũng mà phải dựa vào dân. “Tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội và người dân là người bị tác động trực tiếp của tham nhũng. Theo khảo sát của chúng tôi, tham nhũng là một trong ba vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay” - bà Nga nói.

Nói về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong ba năm liên tiếp không đổi, tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng kết quả này là phù hợp với đánh giá của Việt Nam. “Trung Quốc từ 40 điểm năm 2013 đã tụt xuống còn 36 điểm trong năm 2014 có nghĩa là tham nhũng ở Trung Quốc tăng lên. Còn Việt Nam là 31/100 điểm trong ba năm liền. Chúng ta đã làm quyết liệt, một số lĩnh vực đã có chuyển biến nhưng người dân còn bức xúc” - ông Lượng nhận định.

Theo ông Tranh, trong thời gian tới cần tăng cường sự tham gia của người dân, đẩy mạnh công khai, minh bạch, giải trình trong các cơ quan nhà nước, đảm bảo người dân tiếp cận thông tin đầy đủ và tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí. “Cùng với đó là tăng cường cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người tố cáo và tham nhũng; xử lý nghiêm, không có vùng cấm trong PCTN. Làm tốt việc này cũng là để củng cố lòng tin của người dân…” - ông Tranh nói.

Kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức

Sau khi Luật PCTN sửa đổi có hiệu lực (năm 2013), việc kê khai tài sản đạt trên 99%, còn công khai tài sản đạt 96%. Tuy nhiên, kê khai tài sản, thu nhập vẫn chưa thực chất vì nhận thức, tính tự giác của người kê khai chưa đầy đủ; người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, chế tài chưa đủ mạnh... Cần nâng cao tính tự giác của người kê khai và có kiểm tra, kiểm soát chặt; có biện pháp chế tài, xử lý mạnh diện kê khai không trung thực và thu hẹp diện kê khai…

30% có đưa hối lộ ít nhất một lần khi tham gia các dịch vụ công; 21% người dân tự nguyện đưa hối lộ. Bà Đào Nga, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch, cho biết về kết quả khảo sát phong vũ biểu tham nhũng cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hằng (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN