Tổng Thanh tra Chính phủ lên tiếng sau tranh luận của ĐBQH về vụ Đồng Tâm
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa có văn bản phúc đáp ý kiến Đại biểu Quốc hội đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, trong đó có vụ Đồng Tâm. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, người nêu khi tranh luận ngày 9/6 cũng lên tiếng sau văn bản này.
Hà Nội đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra vụ Đồng Tâm để báo cáo Thủ tướng
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa có văn bản phúc đáp ý kiến Đại biểu Quốc hội đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, trong đó có vụ việc khiếu kiện đông người tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, được đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu khi tranh luận ngày 9/6.
Đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra
Xoay quanh sự việc này, Tổng thanh tra cho biết, ông Lê Đình Kình và các hộ dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm khiếu kiện, tố cáo liên quan việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Ngày 15/4/2017, sau khi Công an thành phố Hà Nội bắt các đối tượng để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, trong đó có ông Lê Đình Kình; dẫn đến công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
Vụ việc sau đó được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với công dân và giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Ông Phan Văn Sáu cho hay, đối với trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ thấy rằng:
Thứ nhất, với thẩm quyền của mình, khi công dân có Đơn khiếu nại đã được Ban Tiếp công dân Trung ương tiếp dân từ ngày 17/11/2016 đồng thời có Văn bản số 1286/BTCDTW-TD1 gửi UBND thành phố Hà Nội để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Thứ hai, ngay sau khi có thông tin về vụ việc trên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh có văn bản số 76/TTCP-C.I ngày 19/4/2017 đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tình hình, diễn biến vụ việc, yêu cầu thành phố có biện pháp xử lý thích hợp để ổn định tình hình, tránh xảy ra điểm nóng; đồng thời giao Cục địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội trong quá trình xử lý vụ việc.
Thứ 3, Thanh tra Chính phủ đã cử 1 đồng chí Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, theo đó đã cùng Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20/4/2017, tại xã Đồng Tâm ngày 22/4/2017; sau khi Thanh tra thành phố Hà Nội kết thúc thanh tra trực tiếp, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử 1 đồng chí Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ tham gia ý kiến đối với Kết quả thanh tra tại các cuộc họp ngày 01/6/2017, ngày 07/6/2017.
Hiện thành phố Hà Nội đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Thanh tra Chính phủ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan; nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội”, ông Sáu cho hay.
Chưa thông tin kịp thời
Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông nhận được văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ vào 22h ngày 16/6. Theo ông Nhưỡng, qua nội dung trả lời thì Thanh tra Chính phủ đã có “khởi động”, tuy nhiên chưa thực sự quyết liệt trong vụ việc ở Đồng Tâm.
“Người dân chưa thấy rõ vai trò của Thanh tra Chính phủ với tư cách cơ quan tham mưu, chỉ đạo, phối hợp, giúp Chính phủ quyết liệt trong vụ việc phức tạp, kéo dài này. Nếu như quyết liệt chỉ đạo Hà Nội thì Hà Nội đã quan tâm giải quyết thấu đáo, thấu tình đạt lý hơn", ông Nhưỡng cho hay, đồng thời băn khoăn, chưa rõ Thanh tra Chính phủ có phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu cho Thủ tướng xem xét, chỉ đạo vụ việc này hay không?
“Vụ việc ở giữa Thủ đô mà dường như mọi người không được thông tin kịp thời, sự việc không được giải quyết căn cơ là có trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của ngành thanh tra”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Vào cuối tháng 3/2017, Cơ quan CAĐT - CATP Hà Nội khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng xảy” ra tại xã Đồng Tâm, bắt giữ 4 người, trong đó có cụ Lê Đình Kình (82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã). Ngày 15/4, người dân Đồng Tâm đã giữ 38 người tại Nhà văn hóa thôn Hoành, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ Công an Hà Nội. Đến 18/4, 15 chiến sĩ CSCĐ đã được bàn giao cho chính quyền, 3 người tự giải cứu. Ngày 20/4, Viện KSND TP Hà Nội ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ cụ Lê Đình Kình. Ngày 21/4, người dân Đồng Tâm thả ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức. Ngày 22/4, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về xã Đồng Tâm đối thoại với người dân xã này. Sau cuộc đối thoại, người dân Đồng Tâm đã thả toàn bộ 19 cán bộ chiến sĩ còn bị giữ ở Nhà văn hóa thôn Hoành. |
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết không truy cứu những người bắt giữ cán bộ, đồng thời làm rõ trách nhiệm người...