Tổng Kiểm toán: Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An không thuộc đối tượng kiểm toán
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, căn cứ theo luật hiện hành, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An không thuộc đối tượng kiểm toán
Sáng 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Đại biểu Trịnh Minh Bình chất vấn Tổng Tổng Kiểm toán Nhà nước
Là đại biểu đầu tiên tham gia chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nêu tình trạng thời gian qua một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán, nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Đại biểu Bình chất vấn Tổng KTNN về nguyên nhân của tình trạng nêu trên và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Luật Kiểm toán Nhà nước cũng đã quy định đơn vị được kiểm toán là đối tượng liên quan trực tiếp đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
"Trong thời gian qua, có một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu như vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, có sai sót trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, 2 đơn vị này không có vốn Nhà nước, không phải đơn vị được kiểm toán"- ông Ngô Văn Tuấn cho hay.
Xét về giác độ có liên quan, Tổng KTNN cho biết 2 doanh nghiệp này liên quan với tư cách nhà thầu. Hoạt động của KTNN là kiểm toán ở chủ đầu tư và ban quan lý dự án. Theo ông Tuấn, trong quá trình kiểm toán, KTNN thực hiện cả 3 nội dung, gồm: Đánh giá, xác nhận về việc tuân thủ trong pháp luật đấu thầu; trong đầu tư xây dựng cơ bản; trong sử dụng tài chính công và tài sản công.
Về kiểm toán trong đấu thầu, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết trên cơ sở tài liệu cung cấp của đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan kiểm toán sẽ thu thập các bằng chứng phục vụ cho kết luận kiểm toán đảm bảo tính trung thực, đúng đắn.
Trong đó, tập trung vào các vấn đề như mời thầu, hồ sơ thầu, chấm thầu và việc ký kết hợp đồng với nhà thầu... "Qua quá trình kiểm toán, chúng tôi đã phát hiện một số sai sót, đã kiến nghị khắc phục cũng như xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan"- ông Ngô Văn Tuấn nêu rõ.
Tổng Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn ngày 5-6
Quan tâm đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết số tiền chưa xử lý theo kiến nghị kiểm toán có phần lớn nguyên nhân đến từ đơn vị kiểm toán, chiếm tới hơn 59%. "Việc này cho thấy các đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện nghiêm túc kiến nghị, đề nghị KTNN cho biết lý do, có phải do không có điều kiện khắc phục, chây ỳ hay do cơ chế. Giải pháp sắp tới của KTNN là gì?"- đại biểu Thúy chất vấn.
Trả lời đại biểu, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN được các cơ quan quan tâm. Tiến độ, ý thức chấp hành của các cơ quan đã cao hơn trước, song còn 67.000 tỉ đồng kiến nghị theo kết luận KTNN chậm được xử lý.
Trong đó, như đại biểu đã nêu, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm trên 59%. Về nguyên nhân, ông Ngô Văn Tuấn cho biết một phần xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, chậm tổ chức thực hiện.
Về khách quan, theo Tổng KTNN, đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí có đơn vị đã giải thể, phá sản nhưng vẫn đưa vào diện phải theo dõi. Bên cạnh đó, Nghị quyết 74 của Quốc hội đã nêu 6 nhóm nguyên nhân cụ thể là ý thức, năng lực, đùn đẩy trách nhiệm, vai trò người đứng đầu và công tác phối hợp. Ông Ngô Văn Tuấn cho biết KTNN sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để kết luận được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều vấn đề nóng trong hoạt động kiểm toán sẽ được Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn vào hôm nay, 5-6.