Tổng cục trưởng Đường bộ "trải lòng" việc bỏ tổng cục và bị chia tách

Sự kiện: Thời sự

Sáng 16/6, Tổng cục trưởng Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện đã có những “trải lòng” về việc sắp xếp lại Tổng cục Đường bộ theo hướng bỏ tổng cục, đồng thời tách thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam theo đề án đang xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, sau 12 năm thành lập Tổng cục đường bộ, tổng cục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Chiều dài các tuyến quốc lộ tăng từ 16.000km lên hơn 25.000km. Tuy nhiên, theo tiêu chí tổ chức bộ máy tổng cục và nhiệm vụ được giao, Tổng cục Đường bộ đã hoàn thiện và trình Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ dự thảo Đề án sắp xếp lại tổng cục.

Theo ông Huyện, nếu đề án được thông qua, sẽ bỏ Tổng cục Đường bộ và lập 2 cục mới thuộc Bộ GTVT (là Cục Đường bộ để quản lý các tuyến quốc lộ và Cục Đường cao tốc để quản lý các tuyến cao tốc đầu tư công).

Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thể bị xoá bỏ và thành lập 2 cục quản lý chuyên ngành mới về đường quốc lộ và đường cao tốc. Ảnh trụ sở Tổng cục Đường bộ hiện nay.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thể bị xoá bỏ và thành lập 2 cục quản lý chuyên ngành mới về đường quốc lộ và đường cao tốc. Ảnh trụ sở Tổng cục Đường bộ hiện nay.

“Tôi là người ký trình dự thảo đề án lên Bộ GTVT theo đúng chức năng là người đứng đầu Tổng cục Đường bộ, nhưng tôi không đồng ý với việc bỏ tổng cục và tách thành 2 cục quản lý chuyên ngành mới, vì có nhiều bất cập. Chúng tôi đã đánh giá tác động của việc này, về mặt quản lý, đường cao tốc chỉ là đường bộ, chỉ khác nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, nên việc tách thành 2 cơ quan sẽ gây lãng phí nguồn lực, thêm bộ máy”, ông Huyện nói.

Theo người đứng đầu Tổng cục Đường bộ, hiện cả nước có hơn 1.100km đường cao tốc, trong đó chỉ có 200km đầu tư công do tổng cục quản lý, còn lại là các tuyến cao tốc do doanh nghiệp đầu tư và quản lý khai thác. Kể cả các tuyến đang và sắp đầu tư công, tổng số đường cao tốc sau 5 năm nữa cũng chỉ khoảng 3.0000km.

Khi hình thành Cục đường bộ và Cục Đường cao tốc, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý cũng phải đầu tư để chia tách làm 2, thay vì quản lý thống nhất trên cùng 1 hệ thống như hiện nay.

Về công việc, theo ông Huyện, nếu có vấn đề về quản lý đường bộ, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đi địa phương còn được phó lãnh đạo các tỉnh thành cùng họp bàn giải quyết. Nếu thành cục, cục trưởng đi địa phương cũng chỉ được lãnh đạo sở làm việc cùng, muốn được lãnh đạo địa phương họp bàn giải quyết, Bộ GTVT phải cử ít nhất cấp thứ trưởng đi.

“Tôi đã ký dự thảo đề án trên trình Bộ GTVT được 10 ngày, bộ đang xem xét thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ. Tôi là người ký dự thảo đề án, nhưng bản thân tôi không đồng ý, vì tôi sống với đường bộ cả sự nghiệp, nếu ra mô hình mới què quặt thì không quản lý được. Tôi cũng động viên anh em, nếu đề án được thông qua sẽ tụt cấp, các Cục quản lý đường bộ khu vực chuyển thành Khu quản lý, vai vế thấp đi, nhưng dù thay đổi thế nào vẫn phải hoàn thành tốt công việc và phục vụ người dân tốt nhất, vì đường bộ vẫn là xương sống của nền kinh tế”, ông Huyện chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng cục Đường bộ nói gì việc thu phí không dừng tê liệt trên cao tốc?

Chiều 24/4, hệ thống thu phí tự động không dừng tê liệt nhiều giờ khiến giao thông ùn ứ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN