Tổng Bí thư Tô Lâm: Sắp xếp nhân sự khi sáp nhập,tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội, phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc
Ngày 12-4, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 11) đã kết thúc sau 3 ngày làm việc.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Trung ương 11.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Kinh tế tư nhân (gồm cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) là một động lực quan trọng nhất. Ảnh: Nhật Bắc
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát, nhấn mạnh và kết luận một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, có nhóm vấn đề tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Xác lập mô hình tăng trưởng mới
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết về dự thảo các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng: Trung ương thống nhất đánh giá, các dự thảo lần này được biên tập ngắn gọn, súc tích (giảm khoảng 30%-35%), song nội dung khá đầy đủ, sâu sắc vừa bảo đảm tính văn kiện, toàn diện vừa đảm bảo tính hành động cao, có thể giúp triển khai ngay, cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề lớn, là hình mẫu cho việc xây dựng văn kiện của các tổ chức Đảng.
Qua trao đổi, thảo luận, Trung ương thống nhất cao và nhận thấy cần triển khai ngay một số giải pháp lớn đã được nhất trí thông qua trong dự thảo các văn kiện, đồng thời cụ thể hóa trong văn kiện nhiệm kỳ 2025 - 2030 của các tổ chức Đảng, gồm:
(i) Thống nhất về mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm "ổn định, phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân"; mọi quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong dự thảo các văn kiện đều phải thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt và tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện cho được mục tiêu này.
(ii) Thống nhất về yêu cầu cao của giai đoạn tới là "phát triển chất lượng cao, phát triển nhanh và phát triển bền vững","chủ động, tự cường và tự chủ trong phát triển". Từ đó, yêu cầu các Tiểu ban tiếp tục rà soát các ý kiến của Trung ương, bổ sung đầy đủ những khó khăn, thách thức khách quan phải đối mặt, những tồn tại, hạn chế kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chưa khắc phục, những nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với bối cảnh tình hình mới, thời cơ vận hội và thử thách mới bằng tư duy mới, cách làm mới mang tính cách mạng, vượt lên chính mình để bảo đảm phát triển chủ động, tự chủ, nhanh, bền vững; đồng thời yêu cầu các đảng bộ trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội phải tập trung thảo luận kỹ lưỡng những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đóng góp hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội cấp mình.
(iii) Thống nhất quyết tâm mạnh mẽ "xác lập mô hình tăng trưởng mới", "xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới" là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Trong mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, kinh tế tư nhân (gồm cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Đồng thời Trung ương cũng thống nhất cao trong giai đoạn cách mạng mới, cần tập trung xác định và triển khai mạnh mẽ nội hàm "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", mô hình điểm về các tỉnh "xã hội chủ nghĩa", các xã "xã hội chủ nghĩa".
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, về công tác tổ chức xây dựng và thi hành điều lệ Đảng: Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; các nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị, cấp ủy, các tổ chức Đảng, các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã được Trung ương thống nhất, thông qua.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập
Bàn kỹ, bố trí người đứng đầu các cơ quan sau sáp nhập
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh những việc cần làm ngay: Ban chấp hành Trung ương yêu cầu ngay sau Hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu triển khai ngay 7 công việc:
(1) Chủ động, tích cực làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình cũng như tham gia định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương lớn của Đảng.
(2) Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các Đề án, kế hoạch đã được Trung ương thông qua.
(3) Chủ động các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp; chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
(4) Bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân.
(5) Về tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất: Chúng ta tổ chức đại hội cấp xã, cấp tỉnh ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Vì vậy, cần lãnh đạo, chỉ đạo hết sức chặt chẽ để bảo đảm Đại hội đúng quy định và thực chất, không hình thức. Bộ Chính trị sẽ ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 35 hướng dẫn cụ thể việc tổ chức Đại hội các cấp theo tinh thần mới.
Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý thêm 2 vấn đề là: (i) Về văn kiện: Cấp tỉnh phải sớm bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội cấp mình trên cơ sở dự thảo Văn kiện mới của Trung ương. Đối với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất thì các Ban thường vụ phải bàn với nhau để xây dựng Văn kiện của Đại hội tỉnh mới. Phải trên tinh thần "không gian phát triển mở rộng" của tỉnh mới để xây dựng văn kiện. Không phải là cộng gộp cơ học các văn kiện của tỉnh cũ thành văn kiện của tỉnh mới. Các xã sáp nhập cũng phải thực hiện theo tinh thần này.
(ii) Về nhân sự, Tổng Bí thư cho biết nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn.
"Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập. Những vấn đề chưa thống nhất, đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công phụ trách địa bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo (các tỉnh cũng cần phân công các đồng chí cấp ủy tỉnh hướng dẫn chỉ đạo Đại hội cấp xã)" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
(6) Đảm bảo lộ trình và tiến độ, quy trình (nhất là quy trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy chế dân chủ cơ sở) về sửa đổi hành lang pháp lý, về thời điểm kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập xã, sắp xếp, sáp nhập tỉnh như Nghị quyết đã được thông qua.
(7) Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm 2025, trọng tâm là Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cùng với các hoạt động kỷ niệm của từng địa phương.
Trung ương yêu cầu các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV nhanh chóng tiếp thu ý kiến góp ý bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện (nhất là phần định hướng phát triển kinh tế xã hội cho các vùng, địa phương sau sáp nhập) gửi đại hội đảng bộ các cấp thảo luận, góp ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 12 để cán bộ, đảng viên và nhân dân thảo luận cho ý kiến.
Ngay sau Hội nghị này, Ban chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 18 sẽ họp để cụ thể hóa các công việc cần làm, đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới và phân công các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc.
Cũng ngay trong tuần sau, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc để quán triệt, thống nhất nhận thức, cách làm trong cả hệ thống chính trị về những chủ trương mà Hội nghị Trung ương 11 vừa thông qua.
Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo thêm động lực mới cùng Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 59 về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới nhằm quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên của năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo.
Phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), giảm...
Nguồn: [Link nguồn]
-12/04/2025 17:32 PM (GMT+7)