Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Trao đổi với Tiền Phong,  PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong thời gian từ khoá XI đến nay. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng.

Làm cho Đảng thực sự trong sạch

Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian vừa qua. Ông có thể nêu thêm về vấn đề này?

Chúng ta hay nhắc đến vai trò của Tổng Bí thư trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng đây chỉ là một nội dung trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cần đặt vấn đề trong mối quan hệ giữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng với hoàn thiện hệ thống chính trị; xử lý mối quan hệ giữa xây và chống. Quan điểm của chúng ta là "xây là cơ bản, thường xuyên, căn bản, chống là bức thiết".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PV.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PV.

Xây ở đây là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức người cán bộ, tổ chức cán bộ. Lấy cái xây đó làm nội dung căn bản, thường xuyên. Còn chống là chống tiêu cực, chống tham nhũng - là một nội dung trong chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

"Đợt này, Đảng, Nhà nước trao Huân chương Sao vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để ghi nhận công lao, cống hiến to lớn, xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trực tiếp là sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc", ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong thời gian từ khoá XI đến nay. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp đảm nhận công việc này, đã chuyển Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo sang Tổng Bí thư trực tiếp lãnh đạo. Đây là tầm lãnh đạo, chỉ đạo rất cao, đòi hỏi vai trò lãnh đạo rất lớn để đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Từ nhiệm kỳ XI đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng được triển khai rất quyết liệt, có nhiều kết quả, được đảng viên, Nhân dân ghi nhận, tin cậy, cổ vũ - cuộc đấu tranh không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống.

Người có nhiều cống hiến to lớn trong công tác lý luận

Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ra mắt nhiều cuốn sách, đề cập rất nhiều nội dung. Theo ông, những cuốn sách của Tổng Bí thư có ảnh hưởng như thế nào trong xây dựng và phát triển đất nước?

Chúng ta đều biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là nhà lãnh đạo của Đảng, vừa là nhà lý luận có nhiều cống hiến trong công tác lý luận của Đảng. Một trong những cống hiến về lý luận, Tổng Bí thư đã phát triển tư duy mới về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó chính là vấn đề lý luận bao trùm nhất.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn bàn sâu về một số lĩnh vực khác, mang tầm vóc lý luận như về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền; vai trò của Quốc hội; vấn đề chiến lược an ninh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; vấn đề ngoại giao cây tre Việt Nam; vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó đều là vấn đề lý luận, đồng thời xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: PV.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: PV.

Nhiều đánh giá khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản kiên trung; là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể làm rõ hơn về nhận định này?

Khi khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy qua mấy điểm sau.

Thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kiên định con đường cách mạng độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Tổng Bí thư đã kiên định đi theo con đường, tư tưởng của "người thầy" - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng kiên định nhận thức sâu sắc và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư đã vận dụng đưa vào xây dựng cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo thực tiễn.

Thứ ba, Tổng Bí thư luôn tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ luôn là mẫu mực, là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để các thế hệ sau noi theo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng noi theo đạo đức, phong cách của Bác Hồ, làm việc khoa học nhưng thiết thực, cụ thể; rất chiến lược nhưng cũng đi sâu vào những vấn đề thực tiễn của đất nước, gắn bó với Nhân dân...

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng từ trần lúc 13h38 ngày 19/7/2024 do tuổi cao bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong ([Tên nguồn])
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN