Tổng Bí thư: Mở ra nhiều đầu mối từ vụ ông Trịnh Xuân Thanh

“Vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cũng chỉ là một ví dụ nhưng cũng đủ thấy sự phức tạp lắm rồi… Vì vụ việc này còn mở ra nhiều "ông", nhiều đầu mối khác", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Tổng Bí thư: Mở ra nhiều đầu mối từ vụ ông Trịnh Xuân Thanh - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội sáng 6.8 (Ảnh: T.Đ)

Sáng 6.8, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận hàng loạt ý kiến cử tri về nhiều vụ việc “nóng” như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cũng như công tác luân chuyển, điều động cán bộ.

Cử tri Nguyễn Chính (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) nêu việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng để con trai 28 tuổi của mình đang nắm giữ một doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí, lãnh đạo Habeco; Vụ ông Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm Phó Chủ tịch Hậu Giang cho thấy tình trạng chưa minh bạch trong công tác cán bộ không còn cá biệt. Các cơ quan thẩm tra biết sai nhưng vẫn nể nang.

"Đề nghị Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, làm rõ các sự việc để tham nhũng giảm dần, không còn nhức nhối xã hội", ông Chính nói.

Cử tri Nguyễn Phi Tính (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) cũng đặt câu hỏi trách nhiệm với những vụ việc như Formosa, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, gần 20 lần vỡ đường ống nước Sông Đà…

Theo ông Tính, những hiện tượng này chứng tỏ pháp luật còn chưa nghiêm, còn tình trạng tiêu cực, chạy chức quyền, chạy luân chuyển và đề nghị làm rõ để xử lý nghiêm, tránh tái phạm, lấy lại lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá các ý kiến của cử tri rất trách nhiệm và thẳng thắn.

Tổng Bí thư phân tích công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, liên quan đến lợi ích, danh dự cá nhân mỗi con người. Đảng luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

“Vừa qua, ta đã xử rất nhiều vụ án như: Dương Chí Dũng, “bầu” Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như... Chúng ta luôn coi phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ làm trong sạch Đảng, Nhà nước. Mới nhất, vụ việc được quan tâm, hoan nghênh như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cũng chỉ là một ví dụ nhưng cũng đủ thấy sự phức tạp lắm rồi.

Chúng ta phải có bước đi vững chắc, thận trọng, làm sao để giữ được ổn định, để phát triển kinh tế. Vì vụ việc này còn mở ra nhiều "ông", nhiều đầu mối khác", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày bỏ vui mừng vì khi lãnh đạo Đảng có chỉ đạo làm rõ vụ bổ nhiệm một cán bộ cấp Phó Chủ tịch tỉnh như thế, cả bộ máy, cả hệ thống đều vận động, vào cuộc.

“Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành… đều đang vào cuộc, có thể có thông tin nói được, có thông tin chưa nói được nhưng các cơ quan đều đang làm cả. Tôi tin là việc này sẽ được làm với kết quả tốt hơn nữa”, Tổng Bí thư nhấn mạn.

Đầu tháng 6, nhiều báo chí thông tin về xe tư nhân Lexus trị giá trên 5 tỷ đồng do ông Trịnh Xuân Thanh (khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) sử dụng gắn biển công vụ.

Ngày 9.6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung bài báo liên quan đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh về việc được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh. Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau đó kết luận, ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI.

Giữa tháng 7, Hội đồng bầu cử quốc gia họp và quyết định hủy tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN