Tốn cả chục tỷ đồng vì chó cắn
Dù đã có quy định hết sức nghiệm ngặt về việc quản lý chó nuôi, nhưng hiện nay, tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn xuất hiện nhiều trên địa bàn thành phố. Không ít người dân bị chó cắn, ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng. Hằng năm kinh phí dành cho khám, chữa bệnh do chó dại cắn lên đến cả chục tỷ đồng.
Nguy cơ tai nạn từ chó thả rông
Cuối tháng 6/2022, sau giờ tan làm, chị Hoàng Thị Xuyến (25 tuổi) đi chợ qua khu dân cư thuộc đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy). Về gần tới phòng trọ, một con chó Rottweiler (giống chó to từ 35 - 60kg của Đức) nhà hàng xóm lao vào tấn công khiến chị bị chấn thương vùng đùi trái. Hai cú đớp với 7 vết thương sâu, vết dài nhất lên tới 0,5 cm, khiến mãi tới gần đây vết thương của chị Xuyến mới liền sẹo. “Nhà chủ bảo chó mới đẻ nên dữ tợn, bị nó cắn cũng yên tâm không lo chó dại nhưng mình vẫn phải tiêm phòng cho chắc”, chị Xuyến kể, đồng thời cho biết, dù phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ như đau đầu, sốt, thiếu minh mẫn,... chị vẫn quyết định tiêm đủ 5 mũi để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Chó thả rông trong công viên ở Hà Nội Ảnh: Phùng Linh
Đường Trần Bình (Cầu Giấy) có vài hộ dân nuôi chó. Cứ đến đầu giờ chiều mỗi ngày, họ lại thả cho chó đi vệ sinh. Một con chó béc giê và một con chó Alaska trưởng thành nặng hàng chục cân chạy tự do ngoài con hẻm đông đúc sinh viên sinh sống. Từng bị một trong hai con chó lao vào tấn công, chị Đặng Minh Anh (21 tuổi) sống tại đây vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh. Dù chỉ bị xây xát ngoài da không quá nghiêm trọng nhưng hiện nay, chị không dám đi bộ qua đoạn đường đó vì lo ngại “không chạy kịp nếu chó đuổi cắn”.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, giai đoạn từ năm 2015- 2021 Hà Nội có 16 người chết vì bệnh dại (bình quân khoảng 3 người chết/năm), riêng năm 2014 có 5 người chết. Hằng năm, toàn thành phố có trên 10.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc dại (chủ yếu do chó cắn), kinh phí tiêu tốn cho việc khám chữa bệnh, điều trị dự phòng rất lớn, khoảng trên 20 tỷ đồng. |
Tại Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), trong không gian sinh hoạt cộng đồng với nhiều người lớn tuổi tập thể dục và trẻ nhỏ vui chơi, cảnh từng đàn chó quấn quýt sủa ầm ĩ, nhe răng gầm gừ rồi chạy quanh công viên là cảnh thường thấy. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, không khó để bắt gặp cả chục con chó được thả rông, trong đó có cả chó dữ. Quá quen với cảnh này, anh Tiến, một người hay đi thể dục lắc đầu ngao ngán: “Đến giờ tập thể dục là khu này nhiều chó thả rông, dịp cuối tuần phải lên tới chục con. Nhiều con nhìn dữ tợn, nên tôi không dám đưa con ra đây chơi”, anh Tiến nói.
Giải pháp nào?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, thành phố hiện có tổng đàn chó, mèo rất lớn, từ 421 nghìn đến 460 nghìn con và đang có xu hướng gia tăng. Người dân sống ở vùng đô thị, nhất là các khu chung cư cao tầng có xu hướng nuôi chó cảnh, nhất là các loại chó quý, có giá trị kinh tế cao. Nhiều người dân, các em thiếu nhi có thú vui dắt chó cảnh dạo trên đường phố, kể cả ở các tuyến phố đi bộ.
“Tuy nhiên việc nhận thức và hiểu các quy định về việc nuôi chó nhiều người chưa hiểu nên đã xảy ra tình trạng để chó thả rông ra đường, không xích, không rọ mõm, đặc biệt ở các khu công cộng, công viên, trường học”, ông Sơn nói, đồng thời cho biết, đây là hành động rất nguy hiểm, bởi đặc tính của loài chó luôn sẵn sàng tấn công người lạ bất cứ lúc nào khi bị tác động. Hơn nữa để chó thả rông làm ảnh hưởng đến giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến sinh hoạt vui chơi của khách, người đi đường, khách tham quan du lịch. Ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh môi trường do chó thả rông phóng uế bừa bãi tại nơi công cộng, đường phố, ngõ xóm.
Theo ông Sơn, một trong những nội dung quan trọng để có được “vùng an toàn bệnh dại” là phải quản lý chó thả rông trên địa bàn. Hiện tại các quận đã tập trung chỉ đạo các phường thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông đi vào hoạt động; từ kinh nghiệm thực hiện của các quận đi trước, tổ bắt giữ chó thường đi vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, không cố định về thời gian để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
“Vẫn còn có người chưa nhận thức đầy đủ, tái diễn hành vi mang chó ra nơi công cộng không chấp hành quy định khi không có tổ bắt giữ chó hoạt động. Việc nuôi nhốt, chăm sóc nuôi nhốt, xử lý chó vi phạm, chó vô chủ trong thời gian chờ xử lý vi phạm của chủ hộ cũng gặp không ít khó khăn, bất cập”, ông Sơn nói thêm.
Đà Nẵng yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp xử lý chó thả rông nơi công cộng, không để người dân bức xúc.
Nguồn: [Link nguồn]