Tôi tự hào là cô dâu Việt
"Mỗi lần khoác lên mình chiếc áo dài, tôi lại càng hãnh diện vì mình là cô dâu Việt Nam", chị Lê Thị Anh Thư, một phụ nữ sau 16 năm làm dâu xứ Hàn, đã tâm sự như vậy.
Trong vai trò đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc tham dự chương trình "Xuân Quê hương" năm nay, chị Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, đã có buổi trao đổi với phóng viên về cuộc sống của người Việt nơi xứ người.
Chị Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc
Hiện nay, người Việt Nam sống tại Hàn Quốc được người dân bản địa nhìn nhận và đánh giá như thế nào?
Tuy cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc mới được thành lập, nhưng trong thời gian gần đây, số lượng người Việt tại Hàn Quốc đã tăng khá nhanh. Hiện nay số người Việt tại Hàn Quốc đã xấp xỉ khoảng 130.000 người, trong đó có khoảng 56.000 cô dâu Việt định cư tại Hàn Quốc, 68.000 lao động làm việc theo chương trình xuất khẩu lao động và khoảng 5.000 học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh đang học tập tại đây.
Không chỉ trong công việc mà ngay cả khi hoạt động xã hội, người Việt Nam cũng được đánh giá cao về khả năng tiếp thu, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, người Việt Nam đi đâu cũng có thái độ khiêm tốn, thân thiện nên được người dân Hàn Quốc yêu mến.
Hàng năm, chúng tôi thường tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống, trước hết là để gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở đây, sau đó là quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hiện nay, áo dài và phở đã trở nên thông thuộc và phổ biến tại Hàn Quốc. Khi nhắc tới phở, áo dài là mọi người lại nhớ đến Việt Nam.
Không chỉ có vậy, tiếng Việt hiện cũng đang rất thịnh hành ở Hàn Quốc. Những người học chuyên ngành tiếng Việt đều đang được chủ doanh nghiệp "trải thảm" đó đón nhận. Bắt đầu từ năm 2013, tiếng Việt sẽ là một trong những thứ ngoại ngữ tự chọn để thí sinh tại Hàn Quốc thi vào các trường đại học… Đây là một quyết định sáng suốt và quan trọng với cộng đồng người Việt tại đây khi chỉ khoảng 10 năm nữa thôi, hàng trăm nghìn con em là thế hệ gốc Việt thứ hai sẽ trưởng thành và làm chủ cuộc sống của mình.
Hàng năm, bà con Việt tại Hàn Quốc đón tết cổ truyền như thế nào?
Tết nào cộng đồng người Việt cũng cùng nhau gói bánh chưng. Những chị em làm dâu Hàn Quốc rủ nhau góp gạo, nhận lá dong từ Việt Nam gửi sang để gói bánh. Riêng hội phụ nữ còn tổ chức chia phát bánh chưng cho những gia đình người Việt khó khăn, coi như món quà quê hương chúc tết. Vào đêm giao thừa, chúng tôi lại tập hợp con em để kể chuyện cổ tích gắn với tết cổ truyền dân tộc. Chỉ có điều khác biệt là tết tại Hàn Quốc trôi qua nhanh, mọi người chỉ được nghỉ 3 ngày. Mặc dù cố gắng hết sức, nhưng ngẫm lại những người con xa xứ vẫn không thể cảm nhận được không khí rộn ràng, đầm ấm như tết quê nhà…
Nói về trào lưu phụ nữ Việt Nam thích sang Hàn Quốc lấy chồng, vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau, người đồng tình, người lại lên án. Với tư cách là một cô dâu Việt đã định cư tại Hàn Quốc, chị cảm nhận như thế nào?
Bản thân tôi quan niệm rằng hôn nhân là quyền tự do, bất kể là hôn nhân trong nước hay hôn nhân quốc tế thì cũng là quyền lựa chọn của mỗi người. Tuy mục đích là khác nhau nếu xét nguyện vọng chính đáng của chị em mong muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, thì đó không hề là tội lỗi.
Thực ra cuộc sống Hàn Quốc không phải là thiên đàng, không phải toàn màu hồng giống như trên phim ảnh. Để thích nghi, hòa nhập, ai cũng phải có sự nỗ lực từ chính bản thân để vượt qua rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa.
Tôi đã làm dâu tại Hàn Quốc được 16 năm. Cuộc sống mới đầu nơi đất khách rất khó khăn để thích nghi. Tôi tự ti tới mức nhiều khi đi ra ngoài đường còn không dám tự nhận mình là người Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó tôi đã nhận ra mình phải phấn đấu không những bằng mà còn phải vượt qua mọi người; phải làm việc nhiều hơn và có hiệu quả cao hơn mọi người… và hơn hết phải biết tôn trọng bản thân mình và tự hào về Tổ quốc mình… Đó chính là những yếu tố quan trọng nhất làm thay đổi cách nhìn của người bản xứ về những người nước ngoài tới định cư.
Trải qua một giai đoạn dài nỗ lực phấn đấu, giờ đây, khi đã ổn định cuộc sống tôi luôn cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam. Mỗi lần có cơ hội được khoác lên mình chiếc áo dài, được mọi người ồ lên khen ngợi, tôi lại càng hãnh diện mình là cô dâu Việt Nam.
Cũng giống như ở Việt Nam, Hàn Quốc cũng yêu cầu người phụ nữ phải chịu thương, chịu khó, biết hy sinh, nhường nhịn… Từ kinh nghiệm thực tế của mình, tôi muốn nhắn nhủ tới chị em cô dâu người Việt mới định cư hay đang có ý định sang Hàn Quốc, hãy cố gắng vượt qua rào cản, biết nhẫn nhịn, yêu thương người khác, trước khi muốn người khác yêu thương đón nhận mình…
Nhiều cô dâu Việt tại Hàn Quốc thành đạt và hạnh phúc (Ảnh minh họa)
Vừa qua cũng có đánh giá khoảng 2/3 cô dâu người Việt có cuộc sống hạnh phúc với người chồng Hàn Quốc. Tuy nhiên, những vụ cô dâu Việt bị bạo hành, dẫn tới cả cái chết đau lòng cũng không phải ít. Vậy cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đã có những biện pháp nào nhằm ngăn chặn thực trạng này?
Hiện nay, Hội phụ nữ tại Hàn Quốc cũng như Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đều mở những văn phòng hỗ trợ cộng đồng. Tại đây, có cả một đội ngũ nhân viên làm công tác thông dịch, hỗ trợ tư vấn 24/24h cho tất cả những phụ nữ gặp vấn đề rắc rối gia đình. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tìm đủ mọi cách kết nối với những cơ quan chức năng để kêu gọi sự giúp đỡ khi cần thiết và yêu cầu có biện pháp nghiêm minh để xử lý những vụ bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp phần ngọn, để giải quyết tận gốc vấn đề nên có những chương trình giáo dục để chị em hòa đồng với phong tục văn hóa nơi quê người. Vì vậy, hàng năm, hội cũng tổ chức các lớp học tiếng Hàn và văn hóa Hàn cho phụ nữ di trú kết hôn. Cùng với đó là mở các lớp học và dạy tiếng Việt cho trẻ em các gia đình đa văn hóa.
Xin cảm ơn chị!