Tội phạm cướp giật: Trẻ hơn, táo tợn hơn

Tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm cướp của, trộm cắp đang gia tăng ở TP.HCM. Nhiều ý kiến cho rằng có hai vấn đề quan ngại: đối tượng phạm tội sử dụng ma túy tổng hợp và nhất là ngày càng trẻ hóa.

Theo GS.TS HỒ TRỌNG NGŨ (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội), mấy năm gần đây, mỗi năm có từ 16.000-18.000 vụ do người chưa thành niên phạm tội, chiếm tỉ lệ 15-18% tổng số tội phạm trên phạm vi cả nước. Nếu tính số lượng tội phạm trẻ, tức ở tuổi trên thành niên một chút, thì số lượng còn lớn hơn nhiều.

Trong khi đó, thống kê của Công an Q.1 (TP.HCM) cho thấy năm 2012 cơ quan này bắt giữ 92 đối tượng cướp giật. Qua kiểm tra đã xác định 16 đối tượng trong số này nghiện ma túy, chiếm hơn 17% tổng số đối tượng cướp giật bị bắt. Trong 83 người bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản có mười người nghiện ma túy. Đây là hai hành vi có số người nghiện gây ra cao nhất trong tất cả các vụ phạm pháp hình sự.

Tội phạm cướp giật: Trẻ hơn, táo tợn hơn - 1

Một đối tượng cướp giật bị bắt trên cầu Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: SƠN BÌNH

Trẻ hơn, táo tợn hơn

Ông Trương Lâm Danh (phó trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM): Trong nhiều năm qua, cứ vào dịp cuối năm, thường các loại tội phạm, trong đó có cướp, trộm cắp... tăng lên. Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm cũng diễn biến theo quy luật này, nhưng điều đáng lo ngại là bọn tội phạm tỏ ra liều lĩnh, táo tợn hơn trước. Không phải chỉ người giàu có tài sản giá trị mới bị cướp, trấn lột mà những nhóm dân cư thu nhập thấp, nghèo khó cũng có thể bị cướp bất kể lúc nào.

Theo dõi những vụ cướp, trộm cắp gần đây tôi rất quan ngại về tình trạng trẻ hóa độ tuổi phạm tội. Phần lớn tội phạm trẻ là do đua đòi, lười biếng lao động muốn có tiền ăn chơi, sử dụng ma túy... Trong khi đó, cần nhìn thẳng vào thực tế là công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn dân cư, quản lý những người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, người có tiền án, tiền sự lại chưa chặt chẽ.

GS.TS HỒ TRỌNG NGŨ: Sự gia tăng tỉ lệ tội phạm trẻ, đặc biệt là tội phạm vị thành niên cả về quy mô, tính chất các vụ việc thời gian vừa qua là đặc biệt nghiêm trọng, đang thách đố lương tri chúng ta.

Tội phạm cướp giật: Trẻ hơn, táo tợn hơn - 2

Một tên cướp giật bị cảnh sát hình sự bắt quả tang trên đường Lê Quang Định, P.1, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: CHÍNH THÀNH

Có nhiều nguyên nhân làm phát sinh tội phạm trẻ, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, trong đó có những nguyên nhân chung từ điều kiện kinh tế, xã hội, giáo dục. Nhưng cá nhân tôi muốn nhấn mạnh nguyên nhân xã hội chưa đánh giá đúng năng lực hành vi và năng lực pháp luật của nhóm tuổi đang được coi là vị thành niên hiện nay. Nhiều vụ phạm pháp được các em chủ động thực hiện bởi các em biết rằng với hành vi đó thì ở độ tuổi của mình chỉ bị xử lý nhẹ.

Nhiều người đề xuất tăng nặng khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên, bởi nhìn vào trường hợp tội ác như Lê Văn Luyện mà chỉ bị phạt 18 năm tù giam thì không thể chấp nhận được. Giải pháp này không thể thực hiện được, bởi chúng ta đã tham gia các công ước, cam kết quốc tế về quyền trẻ em. Vì vậy, tôi mới đề xuất Quốc hội quy định lại độ tuổi thành niên là 16 thay vì 18 như hiện hành. Đề xuất này có cơ sở khoa học chứ không phải là cảm tính.

Ma túy làm mất tính người


Thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng (trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM): Giới trẻ VN đang sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều, nhất là thuốc lắc và hàng đá. Cả hai loại này người sử dụng tưởng an toàn hơn tiêm chích heroin nhưng thực chất rất nguy hiểm.

Tôi chưa thể nói ma túy tổng hợp là tác nhân gây nên tình trạng trộm cướp gia tăng với các hành động ngày càng táo tợn, man rợ. Muốn khẳng định điều này cần có thống kê cụ thể, mà có con số thống kê đi nữa thì cũng rất khó chuẩn xác. Tuy nhiên, ranh giới từ một người nghiện ma túy tới tội phạm là rất mong manh.

Người nghiện ma túy thường có nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều hơn, trong khi khả năng kiếm ra tiền một cách chân chính của những người này sẽ ngày càng giảm. Cung - cầu trái ngược nhau sẽ phát sinh những vấn đề nguy hiểm. Người nghiện phải bằng mọi giá kiếm được tiền để thỏa mãn cơn nghiện, khi đó chuyện trộm cắp, cướp giật hay làm chuyện gì khác là không thể tiên đoán được. Thêm vào đó, những người sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là hàng đá sẽ gây ảo giác mạnh, mất lý trí, nỗi sợ hãi. Ma túy tổng hợp có thể khiến những người hiền lành nhút nhát trở thành những người máu lạnh.

Xem lại công tác quản lý người nghiện

Ông NGUYỄN THÀNH TÀI (chuyên viên cao cấp UBND TP.HCM, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP): Tội phạm bây giờ trẻ hơn, táo tợn hơn, đặc biệt là coi thường pháp luật, tấn công người thi hành công vụ và rất manh động trong sử dụng hung khí. Đấy là một nguy cơ bất ổn cho xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, do đời sống khó khăn, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch trình độ phát triển của vùng, miền... Nhưng cần lưu ý đến nguyên nhân buông lỏng quản lý hoặc bất cập trong một số quy định về quản lý nhà nước. Đơn cử như quản lý người nghiện ma túy. Rõ ràng các đối tượng nghiện ma túy đang góp phần không nhỏ vào việc gia tăng tội phạm, trường hợp chặt đứt tay phụ nữ ở cầu Phú Mỹ để cướp xe là một điển hình.

Qua nhiều năm trực tiếp chỉ đạo giải quyết các tệ nạn xã hội, tôi muốn nói rằng TP.HCM không phản đối việc quy định quản lý cai nghiện tại cộng đồng. Nhưng ở môi trường 10 triệu dân như TP.HCM thì việc quản lý người cai nghiện tại cộng đồng là không hiệu quả. Khi thực hiện nghị quyết 16 của Quốc hội về vấn đề cai nghiện ma túy, TP.HCM triển khai cả trên ba mũi: một là, tạm thời cách ly người nghiện ma túy ra khỏi môi trường sử dụng ma túy để giảm cầu; hai là, tấn công quyết liệt nhóm tiêm chích và buôn bán ma túy tại cộng đồng; ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Ba mũi tấn công này tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết tệ nạn và tội phạm.

Tình hình hiện nay đã khác trước. Môi trường buôn bán, sử dụng ma túy phức tạp, phổ biến, có những nơi tiêm chích trở lại công khai... Như vậy thì làm sao quản lý được người nghiện ma túy? Với tình hình này, theo tôi, rất cần tổng kết mô hình quản lý cai nghiện cũng như sau cai nghiện kể từ khi chấm dứt việc thí điểm theo nghị quyết 16 của Quốc hội. Việc này cần được đánh giá xác thực bằng những con số và so sánh khoa học.

Nhưng tôi thấy rằng lúc triển khai nghị quyết thí điểm, có thể nói tình hình vi phạm an ninh trật tự TP có xu hướng giảm bớt khá rõ, co hẹp cả về tỉ lệ tội phạm, tệ nạn xã hội... Tất nhiên tình hình hiện nay có nhiều yếu tố tác động, nhưng cũng có câu chuyện sau khi kết thúc thí điểm cai nghiện ma túy theo nghị quyết 16, tội phạm ở TP diễn biến phức tạp hơn.

Cướp đập đầu, đạp nạn nhân chết đuối

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.5 (TP.HCM) đang truy bắt nhóm đối tượng cướp tài sản, dùng gạch đập đầu và đạp nạn nhân xuống kênh chết đuối. Nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Chí (22 tuổi, quê huyện Ba Tri, Bến Tre).

Khoảng 1h sáng 30/11, sau giờ làm việc tại quán nhậu trên đường Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.5, chị Lục Thùy Trang (nhân viên quán, 25 tuổi, quê Kiên Giang) cùng người yêu là anh Nguyễn Hữu Chí đi bộ hóng mát. Khi đến trụ điện số 88 trên đường Võ Văn Kiệt (P.13, Q.5), chị Trang và anh Chí ra sát bờ kênh ngồi tâm sự.

Lúc này, bất ngờ có ba thanh niên chở nhau trên một xe máy áp sát nói lớn: “Tụi bay có chứng minh nhân dân không? Nếu không đưa cho bọn tao 150.000 đồng”. Nói vừa dứt, cả ba sấn tới lục túi chị Trang lấy một điện thoại di động. Thấy nhóm thanh niên trắng trợn cướp tài sản của người yêu, anh Chí tỏ thái độ bực tức thì một đối tượng quát: “Mày có tin tao đạp người yêu mày xuống kênh không?” và xô luôn chị Trang xuống kênh. Không dừng lại, một đối tượng khác lượm cục gạch đập một phát mạnh vào đầu anh Chí và đạp anh xuống kênh rồi cả ba leo lên xe tẩu thoát. Lúc này, ở dưới kênh chị Trang tri hô cướp và được người dân cứu. Riêng anh Chí mất tích dưới lòng kênh.

Nhận tin báo từ người dân, Công an Q.5 khẩn trương cử cán bộ đến khám nghiệm hiện trường. Đến 4g sáng, đội cứu hộ mới tìm được thi thể anh Nguyễn Hữu Chí cách vị trí xảy ra vụ việc 200m. Sau vụ án, Công an Q.5 đã lấy lời khai những người liên quan và xác định đây là vụ giết người cướp tài sản trắng trợn.

Hoàng Lộc - Mỹ Thương

Thêm nạn nhân tố băng cướp chém người

Ngày 30/11, anh Nguyễn Phan Hoàng Nam (31 tuổi, ngụ P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết anh từng bị cướp ép chém lấy xe SH vào đêm 5-10 tại ngã tư Gò Mây (Q.Bình Tân). Anh Nam bị chém đứt ngón tay út, gần đứt ngón tay kế và chẻ dọc ngón tay giữa, đồng thời bị chém đứt gân tay phải, đứt gân bả vai. Qua thông tin trên báo, anh Nam nhận diện được hai đối tượng trực tiếp chém mình là Trần Văn Luông và Hồ Duy Trúc (trong băng cướp chém chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy trên cầu Phú Mỹ).

Theo tường trình của anh Nam, khoảng 20g20 ngày 5/10 anh chạy xe SH chở vợ là chị Ngô Thị Trúc Phương (31 tuổi) đi từ An Sương đến chợ đầu mối Bình Điền (H.Bình Chánh). Khi vừa đến ngã tư Gò Mây thì có hai thanh niên chạy xe Nouvo chạy sau la lớn: “Tấp xe vào lề kiểm tra giấy tờ”.

Sau đó hai thanh niên này chặn đầu, ép xe vào lề. Vừa dừng xe, người ngồi sau liền rút mã tấu chém liên tục hai nhát vào đầu anh Nam nhưng do mũ bảo hiểm cứng nên trượt vào tay. Tên này còn tiếp tục chém một nhát vào vai và chém vỡ mặt xe SH. Anh Nam lao vào giằng co với tên cướp thì bị chém tiếp.

Lúc này, đồng bọn ngồi trên xe la lớn: “Lỡ chém, chém chết mẹ nó đi”. Rất may lúc đó có xe tải đi qua nhá đèn, đồng thời vợ anh Nam hô hoán nên hai tên cướp mới lên xe bỏ chạy.

Hoàng Lộc

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Thanh - Lê Kiên - Gia Minh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN