Tối nay, có thể quan sát "trăng máu" từ Việt Nam
Tối nay (8/10), Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần. Hiện tượng này xảy ra cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ và đẹp nhất.
17h25 có thể xem được hiện tượng “trăng máu”
Anh Đặng Tuấn Duy, Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) cho biết, theo tính toán của NASA, trừ châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được nguyệt thực toàn phần, còn lại các khu vực khác đều có thể quan sát được, rõ nhất là phía tây Bắc Mỹ, Australia và phía đông Châu Á.
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra năm 2011 (Ảnh: HAAC)
Tại Việt Nam, nguyệt thực nửa tối (penumbral eclipse) bắt đầu từ 15h15 ngày 8/10 khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất, nhưng nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút.
“Nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 17h25 và toàn bộ Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Hiện tượng này đạt cực đại vào lúc 17h54, cũng là lúc Mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ ràng nhất. Cũng vì vậy hiện tượng này còn gọi là "trăng máu", anh Duy nói.
Anh Duy cho biết thêm, người xem có thể quan sát nguyệt thực toàn phần đến 18h24 phút, sau đó Mặt trăng sẽ đi ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn, chuyển dần về màu sắc bình thường lúc 19h34 phút.
Theo anh Duy, vào tháng 12/2011, nguyệt thực toàn phần cũng xảy ra vào buổi tối và người dân đã có thể quan sát được chọn vẹn hiện tượng này. Riêng năm 2014, đây là lần thứ 2 nguyệt thực toàn phần xảy ra trong năm. Lần trước diễn ra ngày 14-15/5 nhưng Việt Nam không quan sát được.
“Theo quan sát thời tiết, tôi thấy ở miền Bắc có thể quan sát rõ hiện tượng “trăng máu”. Còn ở khu vực miền Trung và Sài Gòn, trời đang khá nhiều mây nên khó có thể quan sát rõ được hiện tượng này. Người dân ở nơi trời trong, vùng chân trời trống thì có thể dễ dàng quan sát được nguyệt thực toàn phần”, anh Duy chia sẻ.
Người dân tìm nơi thoáng, nhìn hướng Đông xem “trăng máu”
Anh Nguyễn Đức Phường, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, ngay từ gần tối người dân phải chuẩn bị tìm nơi thoáng đãng, nhìn về phía Đông mặt trăng mọc để xem hiện tượng nguyệt thực toàn phần.
Để quan sát "trăng máu", ngay từ gần tối người dân phải tìm nơi thoáng đãng, nhìn về phía Đông (Ảnh: HAAC)
“Khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra, Mặt trăng ở khá thấp so với đường chân trời. Do đó, người dân phải chọn nơi thoáng đãng, hoặc lên tầng thượng của nhà cao tầng quan sát. Nếu muốn nhìn rõ hơn hiện tượng “trăng máu” thì người dân phải ra ngoại thành Hà Nội, tìm đến những vùng đất thông thoáng, không có vật cản hướng phía chân trời”, anh Phường nói.
Theo anh Phường, ngoài địa điểm quan sát là những vùng đất trống, tòa nhà cao tầng, người dân có thể tổ chức thành nhóm quan sát tại hai địa điểm là cổng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, quận Cầu Giấy; Trung tâm thương mại Savico Megamall, quận Long Biên.
“Người dân hoàn toàn có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường. Tuy nhiên, để nó đẹp hơn thì người dân có thể sử dụng thêm những chiếc kính thiên văn phổ thông”, anh Phường nói.
Anh Phường giải thích thêm, hiện tượng nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi mà Mặt trời, Trái đất, Mặt trăng gần như nằm trên một đường thẳng. Khi ba thiên thể này xếp trên cùng một đường thẳng, thì bóng của Trái đất sẽ bao trùm lên Mặt trăng (tức là Mặt trăng nó sẽ đi qua bóng Trái đất).
Nếu Mặt trăng bị bao phủ bởi một phần bóng của Trái đất thì gọi nguyệt thực một phần. Còn nếu Mặt trăng bị bao phủ hoàn toàn bởi bóng của Trái đất thì gọi là hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Trước khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra thì người dân có thể quan sát được hiện tượng nguyệt thực một phần.