Tôi đi làm nữ cửu vạn hàng lậu: Giữa vòng vây "chim lợn"
Nhiều phụ nữ từ nơi khác dạt đến biên giới, gia nhập đội nữ cửu vạn vác hàng nhưng không may rơi vào tay “chim lợn” (đối tượng côn đồ bảo kê của buôn lậu - PV), bị đánh đập, thậm chí bán vào các nhà chứa làm gái mại dâm. Người may mắn được giải cứu cũng hoảng loạn, mắc bệnh tâm thần.
“Chim lợn” vừa chở hàng, vừa “canh đường” phòng người lạ vào khu vực vác hàng lậu.
10 mét đường, 2 vòng vây “chim lợn”
Ngày đầu tiên tôi theo chân nữ cửu vạn học nghề vác hàng vượt biên trúng ngày “cấm đường”, “chim lợn” lơ là cảnh giác. Ngày tiếp theo, trên con đường dẫn xuống kho hàng, là người lạ, tôi rơi vào tầm ngắm của “chim lợn”. Trong lúc chờ hàng tại chợ Lũng Vài (Trung Quốc), một người đàn ông xăm trổ cùng một phụ nữ xù xì hơn cả nam giới tiến đến hỏi:
- Mày từ đâu tới. Đi với ai đến đây?
- Tôi là cháu cô Thảo, đi với cô sang đây chơi, tranh thủ mua vài bộ quần áo về mặc tết.
- Thảo nào? Ai là cô của con bé này? Tên “chim lợn” vừa hằm hè vừa săm soi trong đám cửu vạn xem có ai lên tiếng.
Khi đó cô Thảo đang đội thùng hàng cho một đại lý vào sâu trong chợ, dặn dò tôi ngồi lẫn trong đám cửu vạn chờ cô. Sau một hồi tra khảo, không thấy ai lên tiếng. “Chim lợn” đuổi, bắt tôi ngược về lán nhỏ ven chân núi.
Tôi bị nhốt vào lán trại rộng chừng 3 mét vuông, dựng chênh vênh bên vách núi. Trong lán có 2 chiếc ghế nhựa nhỏ, mặt đất đầy vỏ ni lông của chuyến hàng gần nhất rơi rụng. Xung quanh lán là vỏ túi mì tôm, vỏ nhựa đựng cơm hộp, vỏ chai bia, nước giải khát vài bộ bài tú lơ khơ vương vãi. Trên tấm cửa gỗ làm tạm, tôi nghe các nữ cửu vạn bàn tán: “Ai biết cô nó ở đâu thì gọi giúp về cứu nó không chim lợn đánh chết”.
Lán trại của “chim lợn” Trung Quốc, cạnh biên giới để nhốt nữ cửu vạn bị lừa.
Bị nhốt trong lán nhỏ, tôi sợ đến mức tim như ngừng đập, chân tay run rẩy, mắt ướt nhòe. Trước khi đi, cô Thảo dặn dò: “Đi chui phải cẩn thận, nếu không may bị “chim lợn” Trung Quốc bắt thì khổ lắm. Nhẹ thì bọn nó đánh cho no đòn rồi giao cho Công an Trung Quốc, nộp phạt mấy chục nghìn tệ, không có tiền phải lao động khổ sai. Thậm chí có người bị “chim lợn” bán cho bọn buôn người, bán vào nhà chứa làm gái mại dâm”.
Toan lấy điện thoại gọi cô Thảo cầu cứu, tên đàn ông xăm trổ nói tiếng Việt lơ lớ tiến đến giật chiếc điện thoại, chửi rủa: “Mày gọi gì, gọi cho đồng bọn hả. Mày từ đâu đến, đồng bọn của nhà báo đúng không?”. Vừa chửi, tên đàn ông vừa vung tay giáng cho tôi 2 cái bạt tai, hoa mắt, chóng mặt. Chúng khám người, lột sạch những thứ giá trị như tiền, điện thoại di động của tôi. Sau đó, chúng nhanh chóng tìm xóa toàn bộ hình ảnh liên quan đến các kiện hàng chờ vác qua biên giới.
Năm phút sau, khoảng 15 “đồng bọn” của “chim lợn” từ các ngả đổ về, có cả người Việt Nam, người Trung Quốc tụ tập trước cửa lán, bắt đầu tra khảo. Những khuôn mặt dữ tợn, lăm lăm gậy cao su, sẵn sàng đánh đập, nhóm nữ cửu vạn bên ngoài xúm quanh bàn tán. Sau khi chịu những cú đánh trời giáng, cô Thảo từ xa chạy đến hét to: “Nó là cháu tôi, theo sang đây mua ít quần áo và học nghề vác hàng, không phải nhà báo đâu. Nó chưa vác được chuyến hàng nào nên chưa nộp thuế, xin các anh tha cho nó”. Thấy cô Thảo là người quen, nhóm “chim lợn” tản dần ra, tên đầu sỏ nói: “Bà dẫn người mới qua phải báo với bọn tôi. Bảo nó (-PV) sang đây đừng ngó nghiêng lung tung, đợi có hàng rồi vác về. Lần này tôi tha, lần sau thì đừng trách tôi ác”. Chúng trả những đồ dùng tạm thu lại cho tôi.
Cô Thảo dìu tôi lên đường mòn, chui qua rào sắt trở về biên giới Việt Nam. Chưa kịp hoàn hồn, tôi lại bị nhóm “chim lợn” chủ hàng lậu của Việt Nam xúm lại quát tháo. Một tên bặm trợn, chỉ thẳng mặt tôi quát lớn: “Con này người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam. Nó vừa từ gốc tre (lãnh thổ Trung Quốc-PV) chạy sang có người làm chứng, đuổi nó về”. Tôi sợ đến hồn bay phách lạc, chỉ sợ không may bị đẩy qua tấm lưới sắt, bọn “chim lợn” bên kia biên giới bắt thêm lần nữa, hết đường quay về. Bọn “chim lợn” tiếp tục kiểm tra toàn bộ điện thoại, đồ đạc tôi mang theo, những hình ảnh liên quan đến các nữ cửu vạn hay hàng lậu lén chụp tiếp đều bị chúng xóa sạch.
Sợ tôi tiếp tục bị đánh, một nữ cửu vạn tên Thơm vội vàng dìu tôi đi về phía lán trại của bộ đội Biên phòng Việt Nam. Theo chân bộ đội biên phòng về Trạm biên phòng cửa khẩu Cốc Nam (thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh), tôi mới tạm tin mình thoát nạn.
Nữ cửu vạn Trịnh Thị N. theo bạn bè vượt biên vác hàng lậu, may mắn được Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam giải cứu an toàn khỏi “chim lợn”.
Lay lắt đường về
Về đến nhà chị Thơm (Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn), rất nhiều nữ cửu vạn kéo đến hỏi thăm, chúc mừng tôi may mắn trở về. Bởi, những năm qua đã rất nhiều nữ cửu vạn không giấy tờ, vượt biên trái phép, bị bắt rồi đánh đập đến tàn tật, bị bán sang các động quỷ, ép làm giá mại dâm. Khi đi thanh xuân tươi trẻ, may mắn trở về cũng thân tàn ma dại.
Chúng tôi đến gặp chị Nguyễn Thị T. (32 tuổi, Sông Lô, Vĩnh Phúc) vừa trở về sau hơn 10 năm bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Bố mất sớm, mẹ ốm yếu, em gái còn nhỏ, chị T. nghe lời bạn rủ sang biên giới vác hàng vài tháng kiếm tiền sắm tết. Nhưng vừa sang đến nơi bị “chim lợn” bắt nhốt, rồi bán cho một gia đình ở Bằng Tường (Trung Quốc) . Gặp người quen cùng quê nên chị được đưa về cùng. Cuộc sống vất vả khiến chị T. ngoài 30 tuổi đoán như người tuổi 50. Khuôn mặt bơ phờ, xác xơ.
“Chúng tôi luôn tăng cường cảnh giác, thấy người lạ, nhất là phụ nữ đến khu vực biên giới sẽ kiểm tra, nếu không có giấy hợp pháp sẽ khuyên nhủ trở về. Có nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin bị lừa lên đường mòn biên giới, bán sang Trung Quốc”. Thượng úy Đặng Thành Phương, Trạm biên phòng Cốc Nam |
“Năm 2005, một người bạn làm cùng quán ăn ở Hà Nội, rủ tôi sang vác hàng, bảo kiếm ngày được cả triệu bạc. Tôi định làm 2 tháng để kiếm tiền sắm tết. Vừa đi chuyến thứ 2, không biết nộp thuế nên bị “chim lợn” bắt, đứa bạn dẫn đi trốn mất. Thằng “chim lợn” bắt tôi bị nghiện, đánh đập rồi bán tôi cho nhóm buôn người. Tôi bị bán đến vùng nông thôn, bị nhà chồng bắt làm quần quật, không vừa ý bị đánh đập thậm tệ”, chị T. kể. Ngoài các cửu vạn, còn rất nhiều phụ nữ, con gái Việt Nam sang làm nhân viên bán hàng trong chợ đầu mối như Lũng Vài cũng bị bắt bán.
Theo Thượng úy Đặng Thành Phương (Trạm biên phòng Cốc Nam, đồn biên phòng Tân Thanh), nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin, theo người quen lên khu vực biên giới tìm việc như vác hàng, hay qua chơi rồi bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong lúc làm nhiệm vụ, anh cùng đồng đội giải cứu và đón nhiều nạn nhân trở về, động viên, an ủi để họ bớt hoảng loạn. “Có lần chúng tôi đón một cô bé 14 tuổi, bị chuốc thuốc mê rồi bán sang Trung Quốc. Khi đón về đồn biên phòng, cháu hoảng loạn, không nhớ được điều gì, nhìn thấy ai cũng sợ sệt. Hôm đó, chúng tôi có chiến dịch bắt tiền giả, nên ai cũng có còng số 8 đeo bên hông. Nhìn thấy còng số 8, cô bé co rúm người, chui vào gầm bàn trốn, động viên cũng không chịu ra. Bọn buôn người dùng đến còng số 8 tra tấn đánh đập cháu, dã man quá”, anh Phương nhớ lại.
Theo Thượng úy Phương, thủ đoạn của bọn buôn người ngày càng tinh vi như rủ đi làm dọc biên giới, hay vượt đường mòn sang mua sắm, buôn bán hàng hóa… Qua biên giới, cô gái bị bán vào các động mại dâm, bị đánh đập, hành hạ thậm tệ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Giang Nam, Chi cục phó Chi cục hải quan Hữu Nghị (Cục hải quan Lạng Sơn) cho biết, khu vực biên giới có rất nhiều “chim lợn”. Thấy người lạ ngó nghiêng, chụp ảnh cửu vạn vác hàng lậu, chúng rất manh động, lùa đánh bất cứ khi nào. Đã có nhiều nhà báo bị đánh khi tác nghiệp tại khu vực biên giới. Xe của cán bộ hải quan ra khỏi trụ sở, luôn có “chim lợn” bám sát để báo cho đồng bọn dừng vác hàng chạy trốn.
(Còn nữa)