“Tôi bỏ dùng 3G vì nhà mạng tăng giá”
Sau khi 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone đồng loạt tăng giá gói cước 3G không hạn chế lên 40%, nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc, cho biết sẽ hủy dùng 3G.
Khách hàng “tẩy chay” dịch vụ 3G
Ngày 16/10, ba nhà mạng đồng loạt tăng giá gói cước MAX (Vinaphone), MIU (MobiFone), MiMax (Viettel) từ 50 nghìn lên 70.000 đồng (tăng so 40% so với thời điểm trước). Ngay khi nhận được thông tin, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ đã bức xúc. Nhiều người cho rằng giá dịch vụ tăng nhưng chất lượng sử dụng dịch vụ 3G chưa tương xứng. Mạng 3G hiện nay chậm, thậm chí ở nhiều nơi gần thủ đô Hà Nội dịch vụ 3G thường bị chập chờn hoặc không sử dụng được.
Tăng giá cước 3G nhiều khách hàng ngừng sử dụng dịch vụ
Chị Nguyễn Thị Ngân, 26 tuổi, quê ở Nam Định, trọ ở khu vực thôn Kim Lũ, phường Đại Kim quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, dù chị sử dụng 3G nhưng mạng ở khu vực này chập chờn, rất chậm. Khi truy cập mạng, máy điện thoại của chị thường xuyên bị mất kết nối.
“Chất lượng dịch vụ 3G ở khu vực này tệ. Hàng ngày, tôi vào mạng đọc tin tức phải chờ tới 15 phút mới thấy được nội dung của một bài viết, thậm chí nhiều hôm không thể truy cập mạng nổi. Tôi chót đăng kí gói cước MiMax (Viettel) tháng 10 rồi nên sẽ dùng dịch vụ 3G hết tháng này rồi sau đó tôi bỏ không dùng nữa”, chị Ngân chia sẻ.
Anh Nguyễn Bảo Thành, trú ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng giá dịch vụ 3G tăng nhưng chất lượng lại tệ. Anh Thành không hài lòng với chất lượng dịch vụ 3G hiện nay.
Anh Thành nói: “Tôi đăng kí sử dụng gói cước 3G của Viettel nhưng mỗi khi vào mạng chậm chạp, thêm nữa còn chập chờn, mất sóng. Khi biết tin nhà mạng tăng giá cước lên 70.000 đồng tôi quyết định ngừng sử dụng dịch vụ 3G”.
Theo anh Thành, ngừng sử dụng dịch vụ 3G cũng không quá ảnh hưởng vì những lúc ở nhà và đến cơ quan làm việc anh đều truy cập kết nối bằng Wi-Fi. Còn khi ở ngoài đường, anh có thể truy cập mạng đọc tin tức bằng sóng 2G, trả tiền theo lưu lượng dùng.
Trên các diễn đàn, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ 3G cũng không khỏi bức xúc khi nói về việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước. Nick name Phươngzing viết: “Mình đang dùng gói cước MIU giá thuê bao 1 tháng 50.000 đồng, giờ tự nhiên nhận thông báo lên giá 70.000 đồng, mình thấy mệt, và mặc dù tiếc nhưng mình vẫn quyết định ngừng dịch vụ 3G. Nhà mình với nhà hàng xóm vừa chuyển sang dùng chung WiFi với nhau để tiết kiệm chi phí”.
Nick name HaVu đang sử dụng dịch vụ 3G MobiFone viết: “Sáng nay dậy sớm từ 5h, tôi thử vào mạng đọc báo nhưng kết quả không đọc được trang báo nào dù là báo trong nước hay báo nước ngoài. Tôi đã cố gắng kiên nhẫn chờ thêm 15 phút để kết nối được mạng nhưng bất thành. Tôi đã chán nản khi thấy gói cước của tôi vẫn còn trong giới hạn 600MB tối đa. Tôi dự định, hết tháng này hủy 3G luôn”.
Một bạn đọc có địa chỉ email ha_visa… kể: “Tôi đang sử dụng 3G của một nhà mạng. Hôm rồi tôi ngồi cho con ăn nên mở cho cháu xem 2 bài nhạc gummingbar mà bị trừ tới 400.000 đồng. Tôi cứ nghĩ tới mạng 3G lại sôi máu, sau vụ tăng cước này từ nay thề sẽ tẩy chay sử dụng 3G”.
Tăng giá chưa tương xứng
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa kinh tế Đại học TPHCM cho biết, ba nhà mạng đồng loạt tăng giá dịch vụ nhưng chưa xứng với chất lượng dịch vụ khách hàng nhận được. Giá dịch vụ 3G hiện nay vẫn bị cao so với mức thu nhập của khách hàng và người dân Việt Nam.
Trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bức xúc vì 3G tăng giá
Theo Tiến sĩ Dương, đứng ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh đều muốn có lãi, tuy nhiên kiếm lãi bằng cách nào lại có nhiều cách. Ở câu chuyện tăng giá cước 3G, có thể hiểu rằng các nhà mạng đặt giá dựa trên chi phí nhưng các khoản chi phí này chưa rõ ràng nên người dân thấy thắc mắc.
“Hiện nay, giá cước 3G của thị trường một số nước cao hơn nước ta nhiều. Giá cước ở Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thêm nhưng cách đặt giá thế nào thì người kinh doanh mạng vẫn chưa khéo. Về phía pháp luật thì nó phải là một quá trình giữa người bán và người mua, giữa hai bên phải được thương thảo với nhau trước. Nhưng nay, những yếu tố đó lại chưa minh bạch, rõ ràng nên người dùng bực, phản đối, bức xúc”, Tiến sĩ Dương nói.
Tiến sĩ Dương dẫn chứng, đơn cử như một người dân đến gửi xe trong một tòa nhà cao ốc với giá rẻ là 3.000 đồng nhưng xe của họ lại bị để sâu bên trong tầng hầm, trầy xước, không có người dắt xe giúp. Ngược lại, nếu người dân bỏ ra 20.000 đồng mà dịch vụ tốt, có người dắt xe, xe được phân loại để ra từng khu riêng, không trầy xước thì người người dân hài lòng. Vấn đề tính cước hiện nay cũng vậy, dù giá tiền khách hàng mua rẻ hơn các nước khác nhưng lại chưa tương xứng. Người dân không phải đang tiếc vì giá cao mà họ đang “tức” vì dịch vụ tồi tệ và họ không được làm thượng đế.