Tới bãi sông Hồng xem... "tắm tiên"

Lọt thỏm giữa xóm lênh đênh sông nước, Long Biên có một bãi tắm "nude" theo cách gọi nghệ thuật văn minh phương Tây, hay trần tục dân dã theo tiếng Việt, quanh đó giản dị là bãi tắm "tiên" của những vị khách đủ mọi thành phần sống trong lòng Hà Nội...

Đi dọc theo cây cầu huyền thoại Long Biên, Hà Nội, đến lưng chừng giữa cầu có hai đường nhánh dốc đứng một trái một phải dẫn người đời xuống bãi bồi, một dẻo đất uốn lượn trải dài từ An Dương tới tận gần cầu Thăng Long giữa sông Hồng.

Bãi bồi từ trên cầu nhìn xuống xanh ngắt cây ngô mùa nước cạn, đó cũng là nơi sinh sống của hàng trăm gia đình dân vạn chài lênh đênh mỏng manh trên những căn nhà thuyền sắt, xi măng đúc dập dềnh trên mặt sông theo mùa nước trải dài dọc theo bãi bồi giữa Thủ đô.

Lọt thỏm giữa xóm lênh đênh sông nước, Long Biên có một bãi tắm "nude" theo cách gọi nghệ thuật văn minh phương Tây, hay trần tục dân dã theo tiếng Việt, quanh đó giản dị là bãi tắm "tiên" của những vị khách đủ mọi thành phần sống trong lòng Hà Nội.

Trái lại với những lời đồn thổi ác ý về tệ nạn xã hội dưới đó, sau hơn 8 tháng trải nghiệm cái "thế giới nhỏ" này, tôi tự kết luận họ hầu hết là người lao động tử tế. Trong vài năm gần đây, bãi giữa trở thành một khu "du lịch sinh thái" khá phổ biến cho nhiều thị dân đủ lứa tuổi tới để trải nghiệm cuộc sống, để tránh đi sự ồn ào bụi bặm đô thị, để tận hưởng những thú vui giản dị đậm đặc khoái cảm bên dòng sông Hồng lãng đãng. Họ tới đây để tồng ngồng như con trẻ ào xuống dòng sông Hồng mát lạnh trong những ngày hè và ấm nồng giữa mùa đông rét cắt da cắt thịt ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, một thế giới khuất nẻo kín đáo cách nền "văn minh" thượng thừa của xe hơi, của Internet, của máy tính văn phòng độ vài trăm mét về mọi hướng.

Đứng trên cầu Long Biên nhìn xa xa về phía bãi tắm, thấp thoáng như hạt vừng nhấp nhô những tấm thân trần trụi với can nước làm phao cứu sinh buộc dây lõng thõng theo sau dưới sông hay ngổn ngang nằm đắp cát phơi nắng trên bờ nâu sẫm như những pho tượng đất sét. Bãi "tắm tiên" bên sông Hồng này xuất hiện từ khi nào không ai biết, nhiều người lớn tuổi sinh ra ở Hà Nội sống quanh khu vực Hoàn Kiếm cũng chỉ mang máng rằng từ hồi trẻ đã thấy nhiều người ra đó “tắm tiên” rồi.

Tới bãi sông Hồng xem... "tắm tiên" - 1

Bãi tắm tiên tại bãi bồi sông Hồng

Những ngày hè, cứ ngoài 4h chiều khi nắng bắt đầu dịu thì những "dị nhân" quần xà lỏn ở trần túc tắc đạp xe từ khắp nơi đổ về đây để "thần tiên" không mặc quần thả bộ dọc bờ sông vài cây số, để đá bóng, để bơi, lác đác một vài xe máy một phần do lối đi vào bãi đường đất lầy lội gập ghềnh. Dịch vụ dưới bãi độc nhất một quán nước trà, bà chủ quán là người phụ nữ đã đứng tuổi thuộc tên làu làu từng vị khách, tính tình sởi lởi và luộc trứng vịt lộn rất khéo. Dân đến đây "tắm tiên" tênh hênh phía ngoài xa nhưng khi lên quán ngồi nghỉ, không ai bảo ai đều mặc quần rất nghiêm chỉnh. Để có thể tiêu hết 50.000 thời đắt đỏ dưới bãi tắm cũng là việc "thiên nan vạn nan khó", bởi cái gì cũng rẻ, no một bụng trứng vịt và nước ngọt cũng chỉ dăm chục ngàn...

Một vị khách "dị nhân" nổi tiếng tại đây là ông Vũ "yoga" sống ở quận Ba Đình, ông mang vóc dáng khắc khổ, mái tóc lưa thưa để dài, chiếc xe đạp từ thời bao cấp của ông hình như không có phanh. Ông Vũ được mọi người kính trọng và thật kỳ lạ ông không bao giờ ngồi quán nước, trên giỏ xe luôn thường trực chai nước khoáng đa năng. Gọi là đa năng bởi khi tới bãi, ông sẽ uống hết chai nước rồi dăm phút sau lại "xả" ngược vào đó để... gột người trước lúc tập và bơi, một cách chống cảm dân gian có vẻ rất hiệu quả.

Những người bạn bơi kể lại dường như họ chưa bao giờ nghe nói chuyện ông bị ốm. Không mảnh vải che thân, ông Vũ khoan thai gác nhẹ một chân vắt ngược ra sau gáy rồi từ từ ngả ra sau tựa lên đó như ghế salon lim dim ngắm nhìn trời đất cả giờ đồng hồ. Ông còn hàng chục tư thế yoga khổ luyện khác, điều đáng quý là nếu ai muốn tập đều được ông Vũ hướng dẫn rất cẩn thận, nhiều bạn trẻ cũng ra đây nhờ ông dạy bộ môn này.

Mọi sự bon chen xã hội như bị xóa mờ đối với những con người dưới đây. Có không ít tạp nham thành phần "hảo hán" xăm trổ kín mình tới "tắm tiên" không biết tự khi nào đều biết kính cẩn lễ phép chào hỏi người hơn tuổi, nhường nhịn xung quanh như thể đã thành "chính quả", phải chăng trong một môi trường dân dã khi mọi con người đều trắng trợn đối diện nhau, họ bỗng nhiên chân thành bản thiện?

Gần đây thì bãi giữa cũng là nơi dã ngoại thư giãn cho nhiều bạn gái trẻ lang bang tìm chốn sáng tác ảnh chân dung. Một phần đi lại cũng dễ, sáng tác chán trên cầu Long Biên thì ào xuống bãi. Thi thoảng các cô gái tuổi đôi mươi lại rú rít lên kinh ngạc, sợ hãi hoặc có thể là thú vị bởi nhiều anh vô tư quá thể, tắm trôi sông thả xa bãi rồi lững thững "nguyên đai nguyên kiện" thủng thẳng vác phao lội bộ về, thế là gặp nhau ngoài khu vực "an toàn khu".

Có lần xuất hiện mấy chị khách Tây du lịch tò mò xuống tham quan, tôi đoán một chị là nghệ sĩ, bởi chị mang theo chiếc máy ảnh chụp film khổ lớn. Tôi thành người phiên dịch vì chị Tây xin phép được chụp ảnh. Đội quân hở hang mọi khi mạnh miệng trêu chọc chị em lạc đường, giờ lại cúm rúm cười ngượng, thế mới biết ai bạo hơn ai khi giới tính được cân bằng. Sau đó tôi có nhận được thư điện tử chị khách người Tây Ban Nha quét ảnh để gửi tặng lại những người ở đó được làm nhân vật, ảnh mang nội dung rất đương đại, nói chung mấy vị hảo hán dưới bãi tự nhiên được trân trọng cũng lấy đó là một kỷ niệm đẹp về nơi trần tục gắn bó.

Trong "lịch sử" bãi tắm sông này, cũng có ít nhiều vài trường hợp tai nạn đáng tiếc, tôi chưa một lần được chứng kiến nhưng thi thoảng cũng được nghe kể từ những người họ hàng của người lâm nạn, hình như ở dưới đây họ đều lảng tránh khi nói chuyện buồn. Bãi tắm sông này không dành cho những người non bơi lội, không thông thạo luồng lạch biến đổi quanh năm của sông Hồng.

Trước đây đã có nhiều dư luận vội vàng phán xét cho rằng đó là những hành vi kém văn minh về đám người "dị dạng nhân cách" tắm sông không mặc gì. Thậm chí có nơi còn cẩn thận mượn lời của một vị giáo sư về văn hóa để trịch thượng mắng họ "đừng trở lại cuộc sống hoang dã như thế". Dân đi “tắm tiên” bãi sông Hồng giận lắm, trong đó không ít người cũng trót được xã hội gọi là giáo sư, kiến trúc sư, nhà báo, giáo viên, du học sinh...

Theo một số ý kiến có vẻ thoáng đãng hơn được đăng tải trên báo Thể thao Văn hóa thì để hiểu văn hóa cần phải có con mắt và cái nhìn văn hóa, phải đặt văn hóa trong sự vận động không ngừng nghỉ của dòng chảy lịch sử, càng không thể chỉ dùng cái nhìn chủ quan của con người hiện đại để áp đặt lên văn hóa truyền thống. Dường như chưa bao giờ "tắm tiên" ở sông Hồng là "phi văn hóa" hay một dạng "biến dị", lai căng văn hóa như một số người vẫn thường nói. Có chăng là nó đã bị lãng quên bởi sự chen lấn, xâm thực của những dòng chảy văn hóa khác mạnh mẽ hơn, dai dẳng hơn và cũng không kém phần xô bồ. Chính sự lãng quên đã khiến nó trở nên lạ lùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Minh (An ninh thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN