Tộc người có khả năng học ngôn ngữ siêu nhanh ở Hà Giang
Người Xuồng có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh. Họ chỉ cần nghe qua thôi là có thể giao tiếp được.
Người Xuồng định cư ở Mèo Vạc (Hà Giang) từ hàng trăm năm nay, với dân số khá ít. Dù vậy, đồng bào dân tộc Xuồng lại có nhiều phong tục, tập quán độc đáo và thú vị như: Đàn ông phải lấy vợ hơn tuổi, có quy ước làng bản không nơi đâu có, kỹ nghệ dệt vải cũng rất điêu luyện… Độc đáo nhất phải kể đến khả năng học "ngoại ngữ" của họ.
Từ xa xưa, người Xuồng có tập quán sống trên những rẻo núi cao, sống dựa hoàn toàn vào thiên nhiên. Với số lượng người ít lại sống ở những nơi non cao, người ta vẫn nói người Xuồng là dân tộc mới xuất hiện. Để đến được với những bản làng của họ, chúng tôi phải vượt qua không ít những khó khăn.
Men theo con đường gập ghềnh, uốn lượn giữa điệp trùng núi non, bản người Xuồng dần hiện ra trước mắt với những nóc nhà sàn thưa thớt. Mặt trời dần tắt, tiếng mõ trâu lộc cộc cùng với tiếng trẻ con bàn tán xì xào bằng tiếng dân tộc mình khi có người lạ khiến nơi đây thật đẹp, thật thanh bình. Bóng tối nhanh chóng bao trùm cảnh vật, ánh đèn yếu ớt le lói phát ra từ những ngôi nhà sàn như xua tan đi sương mù giá rét miền sơn cước.
Bản người Xuồng nằm lọt thỏm giữa thung lũng.
Nếp nhà sàn bề thế nhất, luôn đỏ lửa được coi là trái tim của bản là của già làng Nùng Y Hoo. Tiếp chúng tôi bằng những cái bắt tay thân tình, những chén rượu ngô nồng ấm, già làng bắt đầu kể những câu chuyện độc đáo về nét văn hóa của người Xuồng bằng giọng đầy tự hào: “Không biết ở dưới xuôi thế nào chứ ở trên này, tiêu chí đầu tiên để chọn vợ của người đàn ông không phải xinh đẹp, giỏi giang mà phải là người phụ nữ hơn tuổi mình.
Bởi họ là những người phụ nữ trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm trong lao động, sản xuất”. Với người Xuồng, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng, là người giữ lửa trong gia đình. Họ không chỉ sinh con, nuôi dạy con cái mà còn là người cầm trịch trong sản xuất nông nghiệp. Không những vậy, đã là phụ nữ Xuồng là phải có kỹ nghệ thêu dệt điêu luyện.
Với người dân tộc Xuồng, văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được coi trọng. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được đến nhà trưởng bản để nghe, học những lễ tiết, phong tục của dân tộc mình. Chính vì thế, nói về văn hóa của người Xuồng, bất cứ người dân nào trong bản cũng có thể kể ra vanh vách. Như trong lễ cúng bái, người Nùng có thể đặt các món ăn làm từ thịt lên bàn thờ nhưng người Xuồng tuyệt đối không được đặt vì sợ dây mỡ lên chỗ linh thiêng.
Với người Xuồng họ không ăn thịt chó, trâu bò trong nhà. Đặc biệt hơn nữa, khi ăn không được nói chuyện, nơi ăn uống phải ở bên trái ngôi nhà và tuyệt đối không được đến gần bàn thờ; khi ăn xong phải rửa tay bằng lá bưởi, lau khô.
“Điệu hát của chúng tôi là hát Phươn và múa trống. Mấy năm trước, UBND xã cho bản tiền để mở lễ hội lồng tồng nhưng dân kiên quyết không tổ chức. Mọi người đều phản đối vì đó không phải lễ hội truyền thống của chúng tôi” – Già làng Nùng Y Hoo cho biết.
Bên cạnh những nét truyền thống văn hóa độc đáo, người dân tộc Xuồng vẫn còn duy trì không ít những hủ tục. Đã là trai bản ai cũng phải biết uống rượu, uống nhiều rượu. Với họ, cơm có thể đói chứ không thể đói rượu. Hằng năm, thóc gạo, lợn gà có thể mang bán nhưng người dân không bao giờ bán ngô. Tất cả ngô đều được bớt lại để nấu rượu, phục vụ nhu cầu mỗi gia đình.
Họ quen sử dụng chén vại trong mỗi cuộc nhậu, trung bình mỗi ngày, một người uống hết 1 lít rượu. Anh Nùng Ý Đừng, một thanh niên của bản Thăm Nom nói với chúng tôi bằng giọng vẫn còn nồng nặc mùi rượu: “Nhịn đói cả ngày cũng được nhưng không thể không có rượu, thiếu rượu thấy khó chịu lắm. Nhà nào ở đây cũng có lò để tự nấu rượu, tự phục vụ.
Lâu nay không ai dám mua rượu ở chợ nữa đâu, uống rượu ở chợ đau đầu lắm. Đến mùa thu hoạch gạo thì có thể mang đi bán, chứ ngô thì không nhà ai bán đâu, một hạt cũng không được đem ra khỏi nhà. Tất cả để nấu rượu uống hết”.
Nói về tục lệ này, già làng Nùng Y Hoo lắc đầu: “Tình trạng uống rượu hiện nay của thanh niên trong bản ngày một nhiều. Uống cho vui thì được chứ nghiện ngập là không nên. Uống nhiều sức khỏe xuống lắm, rồi không làm ăn được gì, suốt ngày thơ thẩn, bỏ bê đồng áng. Không thể gọi đó là phong tục của dân tộc mình mà phải gọi đó là thói quen xấu”.
Câu chuyện khiến chúng tôi tò mò và hứng thú nhất là việc người Xuồng có khả năng nói được hàng chục thứ ngôn ngữ của các dân tộc anh em. Đặc biệt là họ chỉ cần giao tiếp một thời gian rất ngắn là có thể nói trôi chảy. Để mục sở thị khả năng đặc biệt này, chúng tôi có hỏi rất nhiều người trong bản. Anh Vi Văn Páo, một trai bản người Xuồng, được mọi người rất tôn trọng và có uy tín trong số thanh niên ở bản.
Già làng Nùng Y Hoo kể nhiều về nét đẹp trong phong tục, tập quán của người Xuồng.
Anh Páo cho biết: “Cuộc sống của người Xuồng còn rất nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng trình độ dân trí không hề thua kém các dân tộc anh em khác. Có lẽ vì khả năng đặc biệt là có thể học rất nhanh ngôn ngữ của các dân tộc anh em nên sự hiểu biết cũng được mở rộng”.
Thấy người lạ, bỗng chốc người dân trong bản kéo đến nhà anh Páo rất đông. Anh Páo giải thích, mọi người ở đây rất thích nghe chuyện, đặc biệt chuyện của những vùng đất khác. Họ cũng rất có nhu cầu kể những câu chuyện, tục lệ của dân tộc mình cho mọi người nghe.
Anh bạn đi cùng chúng tôi là người dân tộc Mường, đã yêu cầu vài người dân nói tiếng Mường, lập tức có hàng chục người nói lưu loát mà không sai một chữ. Người bạn tỏ ra ngạc nhiên bởi họ nói chẳng khác gì người Mường.
Anh Vi Văn Sàng tự hào khoe: “Chúng tôi nói được nhiều ngôn ngữ lắm, như tôi đây nói cả tiếng dân tộc Tày, tiếng dân tộc Thái thậm chí cả tiếng Anh nữa. Tiếng Anh tôi học được là những lần đi chơi, đi bán hàng ở Đồng Văn, tiếp xúc với người nước ngoài nên học lỏm được. Tôi chỉ nói chuyện với họ khi bán hàng thôi, thế nhưng bây giờ có thể dẫn họ đi du lịch, giới thiệu cho họ văn hóa truyền thống của dân tộc mình đấy”.
Dứt lời, anh Sàng nói cả một đoạn tiếng Anh tả về ngôi nhà của mình khá lưu loát khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ.
Chính người dân nơi đây cũng không thể giải thích tại sao họ lại có khả năng đặc biệt như vậy. Chỉ biết rằng, đó là một năng khiếu đặc biệt mà ai cũng có từ khi còn rất nhỏ. Theo lời anh Páo, nếu muốn học ngôn ngữ của dân tộc nào, chỉ cần tiếp xúc một thời gian rất ngắn là có thể giao tiếp được khoảng 80%.
Người Xuồng có khả năng nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
“Bọn trẻ con người Xuồng khi bắt đầu đi học, thường thì phải học chung với rất nhiều dân tộc khác như Giấy, Mông, Tày, Nùng… nhưng chỉ sau vài tuần là những đứa trẻ người Xuồng có thể dễ dàng nói chuyện với những bạn học người dân tộc khác. Ngược lại, nếu chúng nói tiếng Xuồng thì những đứa trẻ kia lại không hiểu gì. Chỉ có tiếng nói của hai dân tộc Lô Lô và Dao là người Xuồng nói được ít nhất. Điều này cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được” – anh Páo cho hay.
Nói về khả năng này, cô giáo Bùi Thị Mến chia sẻ: “Đúng là các em người dân tộc Xuồng rất giỏi trong giao tiếp. Các em học nhanh tiếng của dân tộc khác, đặc biệt là học bằng tiếng Kinh, các em tiếp thu nhanh hơn hẳn. Nhiều lúc phải nhờ đến các bạn người dân tộc Xuồng phiên dịch cho mình hiểu. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà các cháu lại có khả năng đặc biệt đến vậy”.
Ông Nguyễn Chí Thường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: "Ở Mèo Vạc hiện tại có 16 dân tộc. Trong đó dân tộc Mông chiếm 78%, còn lại là các dân tộc khác. Có những dân tộc ít người nhất là dân tộc Hoa, Thái. Còn dân tộc Xuồng thì đã sống lâu đời ở đây rồi, chủ yếu phân bố ở các xã Khâu Vai, Sơn Vĩ, Sín Cái, Tát Ngà… Huyện Mèo Vạc coi dân tộc Xuồng là một dân tộc khu biệt. Còn để phân biệt rõ nét sự khác biệt giữa dân tộc Xuồng với dân tộc Nùng, Tày, Giáy nằm ở đâu, thì chúng tôi đề nghị cơ quan cấp trên phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đúng là có một điều rất đặc biệt, người Xuồng có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh. Họ chỉ cần nghe qua thôi là có thể giao tiếp được. Điều này cũng không ai giải thích được, có lẽ là do dòng máu của họ có khả năng đặc biệt ấy". |
Chôn cất cho người đã khuất xong, họ cắm đầu bỏ chạy vì sợ “con ma“ đuổi theo.