Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Sự kiện: Thời sự

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào sáng 18-5.

Sáng 18-5, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên bế mạc.

Báo Người Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị - Ảnh: TTXVN

Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự hội nghị!

Sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Trung ương đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua nghị quyết của Hội nghị.

Sau đây, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

1. Hội nghị thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đánh giá cao sự chuẩn bị của các Tiểu ban, Trung ương nhất trí về cơ bản với dự thảo Đề cương các Báo cáo, trong đó có các vấn đề về chủ đề, tiêu đề, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, kết cấu và một số vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến trong quá trình xây dựng các văn kiện. Đồng thời, yêu cầu các Tiểu ban khẩn trương hoàn thiện các Đề cương, bảo đảm sự thống nhất giữa các Báo cáo, nhất là về chủ đề, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu tổng quát; trình bày ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội và các báo cáo chuyên đề phải thực sự xứng tầm trình Đại hội, thể hiện được ý chí và sức mạnh vươn lên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen; xác định đúng đắn những chủ trương, định hướng và các quyết sách lớn bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong 5, 10 năm tới (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

Việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII phải thể hiện tinh thần tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác mọi nguồn lực, vật chất, tinh thần, trong nước và ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tập trung làm rõ và xử lý thật tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.

Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện, phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương, tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược 2011 - 2020 và công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ khoá XII; đồng thời bám sát vào Cương lĩnh và thực tiễn của đất nước để đánh giá một cách khách quan, khoa học các vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới, để từ đó xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ tới.

Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020, làm rõ những kết quả đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo khả năng thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng làm rõ một số vấn đề lớn quan trọng như:

Trên lĩnh vực kinh tế: Tình hình thực hiện chủ trương phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường do Đại hội XII đề ra; việc thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra; những khâu đột phá mới và nhiệm vụ trọng tâm cần được nghiên cứu, bổ sung phát triển tại Đại hội XIII lần này; xác định rõ ràng, đúng đắn hơn vị trí, vai trò và cơ chế, chính sách tạo động lực đối với các thành phần kinh tế; việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Trên lĩnh vực xã hội: Cùng với các vấn đề về lao động, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội..., cần phân tích, đánh giá về thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay; việc nhận thức và giải quyết các quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích, kiểm soát rủi ro; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa tệ nạn và tình trạng xuống cấp đạo đức, mâu thuẫn, xung đột xã hội; việc nhận thức và thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội... Đồng thời, tập trung ưu tiên cho phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam, phát huy giá trị văn hoá và trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trên thế giới, trong khu vực, cần quan tâm đặc biệt, coi bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đang đặt ra và chủ trương, chính sách, biện pháp cần áp dụng để giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Nhận định, đánh giá thật sát, đúng về kết quả đấu tranh, đẩy lùi 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra để có chính sách, biện pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao để tiếp tục củng cố, phát huy những kết quả bước đầu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, đạo đức, lối sống và phương thức lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; vấn đề thực hiện dân chủ và kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; vấn đề năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng, thực hiện chiến lược cán bộ và công tác cán bộ; nội dung, mô hình, phương thức cầm quyền của Đảng; phương thức lãnh đạo và lề lối công tác của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân...

2. Hội nghị đã thảo luận dân chủ, cho ý kiến chỉ đạo đối với việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng vào Tờ trình và dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị; tập trung thảo luận, phân tích, tạo sự đồng thuận cao vào những nội dung Bộ Chính trị xin ý kiến, bao gồm: Những nội dung Chỉ thị số 36 còn phù hợp; những nội dung cần kế thừa nhưng phải có điều chỉnh, bổ sung; những nội dung cụ thể hoá các nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương khoá XII; những nội dung không kế thừa Chỉ thị số 36, cần được lược bỏ cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, Hội nghị nhấn mạnh, đây là công việc trọng tâm, cần sớm được triển khai thực hiện với tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Các cấp uỷ đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thảo luận, góp ý các dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ cấp trên; đồng thời chuẩn bị thật tốt các báo cáo của cấp uỷ cấp mình. Báo cáo của ban chấp hành đảng bộ cần quán triệt định hướng chuẩn bị Văn kiện trình Đại hội XIII; bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đánh giá đúng tình hình thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ qua; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ tới và tầm nhìn xa hơn. Việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm hiệu quả cao. Chú ý phát hiện, xử lý những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; chênh lệch giàu nghèo; ô nhiễm môi trường; ùn tắc, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội…

Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ phải thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị, sau Hội nghị này, khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn chỉnh và ban hành Chỉ thị để định hướng cho toàn Đảng chuẩn bị và tiến hành thành công Đại hội các cấp, góp phần cho thành công Đại hội XIII của Đảng.

Thưa các đồng chí,

Ngay sau Hội nghị này, chúng ta cần phải nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương, khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh các đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội để trình Hội nghị Trung ương 11 xem xét, quyết định vào cuối năm nay; chỉ đạo thật tốt việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2019 - 2020 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt

Ngày 14-5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt gồm các ủy viên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN