Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An vừa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân" xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 6/7 bị can.
Các bị can gồm: Lê Tùng Vân (SN 1932), Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991), Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995), Cao Thị Cúc (SN 1960) và Lê Thanh Nhị Nguyên (SN 1998).
Riêng bị can Lê Thu Vân (SN 1957) hiện chưa xác định được chỗ ở nên chưa tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định. Bị can này là mẹ ruột của 3 bị can Nhị Nguyên, Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên.
Theo kết luận điều tra, năm 2014, Cao Thị Cúc từ huyện Cần Đước, tỉnh Long An đến xã Hòa Khánh Tây mua nhà và chuyển hộ khẩu về đây để xây dựng, sửa chữa làm điểm tu trái phép.
Đến năm 2015, Lê Tùng Vân bán nhà ở quận 6, TP HCM rồi cùng các bị can Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Trùng Dương, Lê Thu Vân, Nhị Nguyên và một số người khác chuyển đến sinh sống tại hộ bà Cúc. Trong thời gian sinh sống, Lê Tùng Vân tự đặt tên hộ của bị can Cúc là "Tịnh thất Bồng Lai", đến đầu tháng 1-2020 thì đổi thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".
Bị can Vân sau khi về tạm trú tại hộ bị can Cúc đã hành nghề nhận nuôi con nuôi làm từ thiện. Tuy nhiên, thực tế đa số trẻ sống trong hộ bị can Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Tại đây, có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.
Thời gian qua, nơi đây bị tố là lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.
Đặc biệt, nhóm người tại "Tịnh thất Bồng Lai" đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội cá nhân khác nhau đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây. Lúc đầu, do chưa hiểu rõ vấn đề, bản chất nên dư luận ủng hộ "Tịnh thất Bồng Lai".
Tuy nhiên, sau khi nhiều báo thông tin về việc chấp hành đăng ký tạm trú, tạm vắng và đăng ký nhận con nuôi không tuân thủ quy định của pháp luật và những chiêu trò lợi dụng tôn giáo, lợi dụng nuôi trẻ mồ côi để trục lợi, gắn mác tu hành nhưng lại sinh hoạt, sinh sống như những người bình thường thì dư luận xã hội đã hiểu rõ bản chất, hoạt động của nhóm "Tịnh thất Bồng Lai" nên đã chuyển hướng sang lên án, phê bình.
Ngày 1-1-2020, Lê Tùng Vân đã làm lễ đổi tên "Tịnh thất Bồng Lai" thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tố cáo các hoạt động nhận nuôi trẻ sai quy định, lừa đảo, quan hệ với trẻ vị thành niên bị bệnh tâm thần... và các hoạt động phức tạp của Lê Tùng Vân trước đây.
Về việc này, cơ quan chức năng ở Long An cũng nhận được nhiều thông tin ở nhiều nơi gửi đến phản ánh, tố cáo ông Lê Tùng Vân với nội dung tương tự như trên mạng xã hội.
Trong khi đó, liên quan đến tôn giáo, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã có văn bản khẳng định "Tịnh thất Bồng Lai" không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý.
Những người đang sống và sinh hoạt tại đó không phải là tu sĩ Phật giáo. Do đó, không liên quan đến sự quản lý của giáo hội. Sự việc mang tính chất lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ Phật giáo để trục lợi.
Đầu năm 2022, UBND huyện Đức Hòa tiến hành rà soát toàn bộ những hạng mục công trình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích tại hộ của bị can Cao Thị Cúc. Tại khu đất này đang được xây dựng một khu nhà ở.
Tuy nhiên, việc làm này là sai phép bởi xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi phát hiện vi phạm, UBND xã Hòa Khánh Tây cùng ngành chức năng ở huyện đã tiến hành lập biên bản và đình chỉ thi công.
Năm 2017, tại đây có 2 "nhà sư" thi hát Bolero trên truyền hình. Tiếp đến, có 5 "chú tiểu" đang sinh sống tại đây thi chương trình "Thách thức danh hài" và đoạt giải cao. Đặc biệt, do nhầm tưởng 5 "chú tiểu" ở "Tịnh thất Bồng Lai" là thật nên không ít người đã rơi nước mắt, ủng hộ hết mình cho 5 thí sinh này.
Tháng 10-2019, ông Võ Văn Thắng cùng nhiều người họ hàng đến "Tịnh thất Bồng Lai" để tìm con gái là Võ Thị Diễm My (SN 1999). Trong lúc nhóm của ông Thắng tới tìm con gái đã xảy ra mâu thuẫn và lời qua tiếng lại với một số người trong "Tịnh thất Bồng Lai".
Lúc này, ông Lê Thanh Nhị Nguyên, người tự xưng đang tu hành tại đây, đã cầm chiếc xe đồ chơi bằng nhựa ném trả lại trúng tay bà Châu Vinh Hóa (46 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM), người đi cùng nhóm gia đình ông Thắng. Do bức xúc vì bị tấn công, bà Hóa cầm miếng gạch men vỡ ném vào nhóm người trong hộ bà Cúc khiến ông Nguyên bị thương tích với tỷ lệ 13%.
Ngày 15-4-2021, TAND huyện Đức Hòa mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hóa 2 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích, buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường gần 9 triệu đồng cho bị hại.
Tuy nhiên, cả bị cáo và bị hại đều có đơn kháng cáo. Phía bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn bị hại đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong đó, bị hại không đồng ý mức bồi thường 9 triệu đồng mà tòa sơ thẩm tuyên và đề nghị tòa phúc thẩm xem xét buộc bị cáo bồi thường số tiền hơn 3,3 tỉ đồng do bị hại chịu các thiệt hại liên quan đến việc bị hại chăm sóc sức khỏe, nuôi bệnh, tiền đầu tư dự án âm nhạc, tiền luyện tập thể hình, phẫu thuật thẩm mỹ, không thể biểu diễn nghệ thuật, tổn thất tinh thần,…
Ngày 9-12-2021, HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Long An đã bác gần như toàn bộ kháng cáo của bị hại Lê Thanh Nhị Nguyên, chỉ chấp nhận yêu cầu bồi thường thêm cho ông Nguyên 6 hệ số lương cơ bản. Đồng thời, chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hóa. Bị cáo này chịu mức án 2 năm tù nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm.
Thời gian gần đây, khi nhắc đến "Tịnh thất Bồng Lai", nhiều người hay đề cập cụm từ "thầy ông nội" để nói về bị can Lê Tùng Vân. Vậy, ai là người đã dựng nên vụ "thầy ông nội" ở tịnh thất tự xưng này?
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Long An, trên cơ sở kết quả giám định, cơ quan chức năng xác định có 5 clip đăng tải trên 2 tài khoản YouTube chứa nội dung vi phạm. Trong đó, clip với tên gọi "5 chú tiểu - phần 2, Người lớn mừng tuổi "thầy ông nội" ngày mùng 1 Tết...!" đăng tải ngày 2-7-2019 đã mạo danh, mạo xưng đức Phật, xúc phạm Phật giáo.
Bị can Lê Tùng Vân khai nhận tham gia trực tiếp trong clip này. Người quay phim là 2 bị can Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên. Bị can Lê Thị Cúc chuẩn bị đồ hậu vàng cho ông Lê Tùng Vân mặc, ngồi trước tượng Phật và lư hương để một số người quỳ lạy, thắp nhang.
Trong lúc quỳ lạy, bị can Lê Thu Vân nói: "… kính lạy đức thầy bổn sư giáo chủ, giải thoát hiện sinh, truyền đạo, hồng hạc vân du…". Sau khi quay xong clip, Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên trình cho ông Lê Tùng Vân xem lại và thống nhất trước khi "thầy ông nội" cho phép đăng lên tài khoản YouTube "5 chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ".
Bị can Hoàn Nguyên xác định các nghi thức, thủ tục cúng bái, quỳ lạy… được thể hiện trong clip là do ông Lê Tùng Vân quy định và đặt ra. Mục đích đăng tải lên YouTube được Hoàn Nguyên khai rằng để cộng đồng mạng, người hâm mộ xem hoạt động của nhóm người tại "Tịnh thất Bồng Lai – Thiền am bên bờ vũ trụ".
Ngày 31-12-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An ra kết luận giám định về nội dung clip trên. Theo đó, clip có thời lượng 18 phút 41 giây, 452.313 lượt xem và 1.500 lượt bình luận. Trong đó, đoạn từ phút 0:02:27 – 0:02:42 đã mạo danh đức Phật, xúc phạm Phật giáo; đoạn từ phút 0:06:06 – 0:06:13 đã mạo xưng đức Phật.
Liên quan vụ án xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai", Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ra thông báo truy tìm Võ Thị Diễm My.
Trước đó, vào ngày 13-12-2019, tài khoản YouTube "Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official" đăng tải clip có tên "Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng Lai sắp đổ máu, Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an". Trên cơ sở kết quả giám định, cơ quan chức năng xác định clip này chứa đựng thông tin xuyên tạc, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa.
Lê Thanh Nhất Nguyên là người trực tiếp tham gia và sử dụng điện thoại quay clip ghi lại sự việc ngày 12-12-2019 tại Công an huyện Đức Hòa. Quay xong, Nhất Nguyên đăng tải lên tài khoản YouTube.
Ngoài ra, Nhất Nguyên còn khai nhận các bị can Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Cao Thị Cúc, Lê Thanh Nhị Nguyên và 2 người ở "Tịnh thất Bồng Lai" là Lê Thanh Nhất Tuệ, Lê Thanh Huyền Trân là những người tham gia sự việc trên.
Nhất Nguyên khai nhận đã nói trong clip: "… Yêu cầu công an trả Diễm My ra đây, mấy anh bắt cóc Diễm My vậy rồi mấy anh đổ lỗi cho tôi…". Bị can này trình bày mục đích đăng tải clip là để cầu cứu cho Diễm My và cho cộng đồng mạng biết sự việc sau khi làm việc với Công an huyện Đức Hòa, cô "mất tích tại đồn công an".
Lê Thanh Trùng Dương còn khai nhận trong clip, bị can Lê Thu Vân đã nói trước đám đông tụ tập: "… Công an huyện Đức Hòa bắt cóc người bà con ơi! Bà con ơi! Công an huyện Đức Hòa bắt cóc con người ta không thả ra nè…". Trùng Dương thừa nhận hành vi của nhóm người tại "thiền am" là vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, bị can Cao Thị Cúc khai nhận đã nói "công an đánh người luôn, đánh xong nó lôi ra cửa luôn" vì cho rằng clip bị cắt ghép, chỉnh sửa nên nội dung không đúng với sự việc thực tế.
Khai thác dữ liệu lưu trữ trong ổ cứng lấy ra từ máy vi tính thu giữ trong phòng của Lê Thanh Nhị Nguyên, cơ quan điều tra xác định 7 file clip và 3 file ghi âm đã thể hiện rõ nhóm người ở "Tịnh thất Bồng Lai – Thiền am bên bờ vũ trụ" gây rối, xuyên tạc, xúc phạm Công an huyện Đức Hòa.
Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra xác định các bị can đã cố ý sử dụng các file clip và file ghi âm để biên tập thành clip hoàn chỉnh "Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng Lai sắp đổ máu, Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an".
Đáng chú ý, 1 trong 7 clip là do các bị can cố ý dàn dựng thêm hoạt cảnh và ghi hình, sau đó cắt ghép thêm đoạn âm thanh từ file ghi âm rồi biên tập, chỉnh sửa cùng các đoạn clip khác thành clip hoàn chỉnh, sau đó đăng trên YouTube.
Công an tỉnh Long An hiện đang tiếp tục điều tra thêm các hành vi liên quan đến nhóm bị can và nhóm người ở "Tịnh thất Bồng Lai".