Toàn cảnh chiến sự Libya buộc 750 lao động VN về nước

Tình trạng bắt cóc, ám sát, cưỡng hiếp và hành hình diễn ra công khai, tràn lan trên khắp Libya khiến công dân nước ngoài phải ồ ạt sơ tán về nước.

Bạo lực đẫm máu

Với sự cát cứ và giao tranh giữa các nhóm vũ trang, tình trạng bắt cóc, ám sát, cưỡng hiếp và xử tử bằng hình thức chặt đầu diễn ra công khai, tràn lan trên khắp cả nước, trong đó không ít người nước ngoài trở thành nạn nhân.

Theo các con số thống kê chưa chính thứ, đã có ít nhất 686 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực đẫm máu nổ ra ở Libya, trong đó có một nửa số nạn nhân thiệt mạng trong tháng Bảy. Tuy nhiên, con số thương vong này đang tăng lên hàng ngày với các vụ tấn công dữ dội nổ ra ở khắp nơi.

Toàn cảnh chiến sự Libya buộc 750 lao động VN về nước - 1

Khói bốc lên trong một trận tấn công vào sân bay Tripoli

Theo tổ chức tư vấn rủi ro Maplecroft của Anh, các vụ “tấn công khủng bố” ở Libya đã tăng gấp đôi từ năm 2013 đến nay. Tổ chức này cũng xếp Libya vào danh sách 10 nước nguy hiểm nhất trên thế giới.

Bạo lực bùng phát dữ dội nhất kể từ khi tướng Khalifa Hifter thành lập một lực lượng chống dân quân hùng hậu để dẹp các nhóm vũ trang trên đất nước. Khalifa Hifter từng là một chỉ huy của lực lượng quân đội dưới thời Qaddafi, sau đó đào tẩu sang lực lượng nổi dậy. Chiến dịch tấn công của tướng Hifter chủ yếu diễn  ra ở Benghazi và chỉ nhằm vào các chiến binh Hồi giáo, chẳng hạn như nhóm Ansar al-Sharia.

Mặc dù vậy, lực lượng của tướng Hifter cũng không phải là một bộ phận của quân đội chính phủ, và ông này coi đội quân của mình là đại diện  cho “Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Libya”, tương tự như chính quyền quân sự từng lật đổ chính phủ Ai Cập vào năm 2013.

Toàn cảnh chiến sự Libya buộc 750 lao động VN về nước - 2

Người dân Libya biểu tình phản đối làn sóng bạo lực trong nước

Điều đó cho thấy tướng Hifter muốn thiết lập một chính quyền quân sự ở Libya thay vì khôi phục nền dân chủ. Tờ New York Times cho hay, những cuộc tấn công do viên tướng này phát động thường gây thương vong nặng nề cho cả hai bên, tuy nhiên việc ông ta có hạ gục được các chiến binh Hồi giáo hay không vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.

Cộng đồng quốc tế bất lực

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế gần như bất lực trước tình trạng bạo lực lan tràn đe dọa đến tính mạng của dân thường và công dân nước ngoài sinh sống ở Libya. Với tình trạng quân đội Libya gần như không tồn tại, phương Tây không biết phải viện trợ cho ai để ngăn chặn làn sóng bạo lực cực đoan của các phần tử Hồi giáo thân al-Qaeda.

Các quốc gia như Anh, Mỹ, Ai Cập... chỉ còn cách hối thúc công dân của mình rời khỏi Libya càng nhanh càng tốt để bảo toàn tính mạng, đồng thời đóng cửa các đại sứ quán để không trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân.

Toàn cảnh chiến sự Libya buộc 750 lao động VN về nước - 3

Lao động nước ngoài ở Libya chờ được về nước tại sân bay tại Tunisia

Phản ứng quyết liệt nhất từ trước tới nay có lẽ là của Ai Cập, khi nước này ám chỉ đến khả năng huy động lực lượng để can thiệp quân sự vào Libya nhằm bảo vệ biên giới phía tây của mình.

Trong khi đó, đại diện các nước Algeria, Libya, Morocco, Tunisia, Mỹ và Ai Cập cùng ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn ngay lập tức để ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết những vấn đề về an ninh và ổn định của đất nước.

Tuyên bố chung này nhấn mạnh tình trạng bạo lực hiện nay ở Libya đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, ảnh hưởng đến mạng sống của rất nhiều người vô tội cũng như quá trình chuyển giao dân chủ ở Libya.

Trong khi đó, dòng người đổ về các sân bay để tìm cách sơ tán khỏi Libya ngày càng nhiều lên, khi chiến sự bùng lên dữ dội hơn giữa lực lượng của tướng Hifter và các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan.

Trước tình hình chiến sự căng thẳng tại Libya, hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh - Xã hội và công ty TNHH Hyundai Engineering (Hàn Quốc) điều máy bay sang châu Phi đưa gần 750 người lao động Việt Nam về nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN