Toàn cảnh chiến sự Libya buộc 750 lao động VN về nước
Tình trạng bắt cóc, ám sát, cưỡng hiếp và hành hình diễn ra công khai, tràn lan trên khắp Libya khiến công dân nước ngoài phải ồ ạt sơ tán về nước.
Ngày 6/8, lực lượng dân quân ở Libya cho biết họ đã chiếm được 3 căn cứ quân sự của chính phủ, chiếm được nhiều xe tăng và pháo trong chiến dịch tấn công dữ dội gây ra tình trạng hỗn loạn trên toàn quốc.
Tại thành phố Benghazi, cách thành phố Tripoli khoảng 1000 km, các chiến binh Hồi giáo thuộc phong trào Ansar al-Shariah, nhóm phiến quân từng tấn công và sát hại đại sứ Mỹ Chris Stevens năm 2012, đã lập chiến lũy ngay trước các cửa ngõ của thành phố và bao vây quân đội chính phủ đang cố thủ trong một sân bay.
Tình hình chiến sự dữ dội bùng phát trong thời gian gần đây ở Libya đã buộc Mỹ phải đóng cửa đại sứ quán hồi tháng trước, và Anh cũng quyết định chấm dứt các hoạt động ngoại giao ở nước này hồi đầu tháng này. Một loạt các quốc gia khác như Tây Ban Nha và Malaysia cũng tuyên bố đóng cửa cơ quan ngoại giao ở Libya.
Các chiến binh thuộc lữ đoàn Hồi giáo Misarata tấn công vào sân bay Tripoli
Các nước cũng đang hối hả điều phương tiện để nhanh chóng sơ tán công dân của mình ra khỏi Libya trước tình hình bạo lực không thể kiểm soát nổi. Một chiếc tàu chở khoảng 200 công dân Anh và EU đã rời khỏi Libya, cập cảng Malta vào ngày hôm qua, trong khi Philippines và Việt Nam cũng đang gấp rút sơ tán hàng trăm công dân của mình ra khỏi đất nước này.
Thủ phạm gây ra tình hình bất ổn và bạo lực nghiêm trọng hiện nay ở Libya là Hội đồng Shura Cách mạng Benghazi, với thành phần là những chiến binh thuộc các phong trào Hồi giáo cực đoan như Ansar al-Shariah và các phần tử thân al-Qaeda, những kẻ đã gây ra cuộc xung đột tồi tệ nhất ở Libya kể từ sau cuộc chiến tranh lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Qaddafi năm 2011 đến nay.
Tại sao Libya lại rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng như vậy, và tình hình hỗn loạn hiện nay có thể sớm chấm dứt hay không?
Kiêu binh nổi loạn
Tình hình bất ổn hiện nay ở Libya bắt nguồn từ sự sụp đổ của chính phủ do Đại tá Qaddafi lãnh đạo. Dưới thời kỳ cai trị của mình, Đại tá Qaddafi đã có những biện pháp cứng rắn để có thể nắm được quyền kiểm soát quân đội và khống chế các phe phái chính trị trong nước.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2011, sau khi NATO phát động chiến dịch không kích dữ dội can thiệp quân sự vào Libya với sự hậu thuẫn của nhiều nhóm chiến binh trong nước để lật đổ Đại tá Qaddafi, thế cân bằng quyền lực vốn rất mong manh ở đất nước này sụp đổ.
Các chiến binh dân quân nổi dậy ở Libya kiên quyết không giải giáp vũ khí
Sau khi giành được “chiến thắng” trước quân đội Qaddafi, lực lượng liên minh nổi dậy Libya vốn là một đám ô hợp các thành phần khác nhau tan rã thành những nhóm dân quân nhỏ mà không có cách nào có thể tập hợp hay giải giáp vũ khí của họ được.
Vốn đã hục hặc với nhau về lợi ích và tranh giành ảnh hưởng trong nước, các nhóm dân quân này không chịu thực hiện mệnh lệnh của chính phủ trung ương do Mỹ lập ra và trở thành những lực lượng cát cứ địa phương trong sự bất lực của chính phủ.
Tình hình rối loạn đến mức vào năm 2013, một nhóm vũ trang thậm chí còn bắt cóc cả Thủ tướng Libya Ali Zeidan và chỉ thả ông này ra sau khi có sự can thiệp của một nhóm khác.
Hoạt động của các nhóm vũ trang này chủ yếu tập trung ở thành phố Benghazi, vì đây được coi là căn cứ quyền lực quan trọng nhất của phe nổi dậy, và một số nhóm còn muốn biến khu vực xung quanh thành một quốc gia tự trị lấy Benghazi làm thủ đô. Từ tháng 3/2014, phong trào đòi ly khai này gần như đã bùng phát thành một cuộc nội chiến thứ hai ở Libya.
Trong khi các phe phái Libya mải mê đấu đá lẫn nhau, không ai quan tâm đến việc các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang âm thầm xâm nhập vào đất nước này, thậm chí còn trà trộn vào phe nổi dậy và sau đó mới công khai lộ diện.
Hiện trường một vụ đánh bom tự sát ở Benghazi
Vòng xoáy bạo lực luẩn quẩn khiến chính phủ Libya không thể nào xây dựng được hệ thống xã hội bình thường như cảnh sát, các dịch vụ xã hội, và cũng không kiểm soát được ngành công nghiệp dầu mỏ hay hệ thống tòa án. Trong một xã hội rối ren như vậy, các nhóm dân quân lại tự mình đứng ra đảm bảo an ninh cho địa bàn, và không hề có ý định giải giáp vũ khí.
Hậu quả là bạo lực diễn ra gần như hàng ngày ở hai thành phố lớn nhất đất nước là Tripoli và Benghazi kể từ năm 2011 đến nay. Quân đội chính phủ gần như không thể kiểm soát được 2000 nhóm vũ trang lớn nhỏ khác nhau trên cả nước.