Tòa tuyên hoãn xử vụ bầu Kiên
14h20 chiều nay, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Lý do hoãn là do bị cáo Trần Xuân Giá đang bị bệnh rất nặng.
14h20, Tòa tuyên bố hoãn xét xử vụ án bầu Kiên. HĐXX đưa lý do là: Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Trần Xuân Giá cho biết ông đang bị bệnh. Bị cáo này đã vắng mặt trong phiên tòa sáng nay. HĐXX cho rằng, chưa rõ bị cáo Trần Xuân Giá ốm như thế nào nên vẫn cho tiến hành phiên xét xử và sẽ cho triệu tập sau.
Tuy nhiên, đến chiều nay, qua kiểm tra, HĐXX được biết bị cáo Trần Xuân Giá bị bệnh rất nặng, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô. Vì vậy, tòa tuyên bố hoãn phiên xét xử.
Điều 187. Bộ Luật tố tụng hình sự: Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án. Nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định. Nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ. |
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được áp tải ra xe đặc chủng để đưa về trại tạm giam
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cũng được đưa về trại tạm giam
Bị cáo Lý Xuân Hải tỏ ra khá tươi tỉnh khi được đưa ra khỏi phòng xử
14h05, Tiếp tục phiên xét xử vụ án bầu Kiên.
11h10, Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phiên xét xử buổi sáng. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14h chiều nay, 16/4.
Đến 10h30, Phần đọc cáo trạng chưa diễn ra.
Trong lời phát biểu ý kiến của mình, Bầu Kiên (tức Nguyễn Đức Kiên) đã nói những lời dõng dạc. Ông Kiên đề nghị tòa phải triệu tập hàng loạt người liên quan.
Theo bầu Kiên, cần có những người này để làm rõ rằng: "Tôi không có tội".
Bầu Kiên khẳng định, những ngành nghề kinh doanh của mình đã được cấp phép chứ không phải kinh doanh trái phép.
Trong lời phát biểu ý kiến khi phiên tòa bắt đầu, Bầu Kiên cho rằng mình bị buộc tội trốn thuế nên cần đại diện của Tổng Cục thuế có mặt. Theo ông Kiên, tất cả hoạt động kinh doanh của mình đều được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ông bầu đề nghị toà triệu tập cả đại diện phòng đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, TP. HCM và các bộ ngành Công thương, Kế hoạch đầu Tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
Bầu Kiên cũng cho rằng không liên quan đến vụ án Huyền Như nên việc vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến 3 tội danh khác mà VKS truy tố. Vì vậy, ông này đề nghị tòa cứ tiến hành bình thường.
Mặc dù nhiều người đề nghị hoãn, nhưng sau khi hội ý, HĐXX quyết định vẫn cho phiên tòa tiếp tục.
Đến gần 10h sáng, HĐXX điểm danh, chưa kiểm tra căn cước xong
Sáng nay, Huỳnh Thị Huyền Như cũng đến tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Huỳnh Thị Huyền Như đến tham dự phiên tòa
Huỳnh Thị Huyền Như là người mới bị tòa sơ thẩm TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt tù chung thân hồi cuối tháng 1 về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Bằng nhiều thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt của các ngân hàng, tổ chức, cá nhân gần 4.000 tỷ đồng. Đối với ngân hàng ACB (trong vụ án sáng nay), Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng.
Mặc dù đại diện VKS đề nghị HĐXX tiến hành phiên tòa như bình thường nhưng nhiều luật sư lại đề nghị phải hoãn đề triệu tập thêm một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã không đến.
Luật sư Lưu Tiến Dũng (người bào chữa cho ông Trần Xuân Giá) nói rằng, vì lý do sức khỏe, ông Giá không thể đến tham dự. Nhưng ông Giá vẫn mong muốn được tham dự đầy đủ tại phiên tòa để làm rõ các quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vì thế ông Giá nhờ luật sư chuyển lời đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa hôm nay để lần sau bị cáo này có thể tới tham dự.
Đến 9h30, phiên tòa vẫn chưa bắt đầu vì vụ án có quá nhiều người liên quan trách nhiệm, nghĩa vụ đến tham dự.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trình tự diễn ra của một phiên tòa gồm: thủ tục bắt đầu phiên tòa với phần điểm danh, kiểm tra căn cước, phát biểu ý kiến trước phiên tòa, rồi mới đến phần đọc cáo trạng và xét hỏi tại phiên tòa.
Ngoài các bị cáo, vụ án có đến 82 người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan, chưa kể các luật sư, người giám định, làm chứng.
Trước khi phiên tòa diễn ra, ông Trần Xuân Giá cho biết ông đang bị bệnh. Rất nhiều khả năng, ông sẽ vắng mặt trong phiên tòa hôm nay.
Luật sư và các bên liên quan đang làm thủ tục vào tòa
An ninh vào tòa được thắt chặt. Cổng tòa được kiểm soát bằng máy móc như sân bay.
Phóng viên vào tòa phải qua cửa từ kiểm tra người và máy soi đồ đạc, kim loại
Bầu Kiên là người đầu tiên được dẫn vào tòa
Bầu Kiên tại tòa
Sáng nay, bầu Kiên là người đầu tiên được dẫn vào tòa. Trông ông gầy gò tiều tụy hơn trước rất nhiều. Nhưng vẻ mặt khá bình thản, thỉnh thoảng ông quay người lại trò chuyện với những người phía sau.
Các phóng viên làm thủ tục vào tòa.
Phóng viên theo dõi phiên tòa từ màn hình ti vi
Nhiều bị cáo trong vụ án được tại ngoại. Sáng nay, hầu hết các bị cáo đều đến tòa, trừ ông Trần Xuân Giá.
Các bị cáo tại tòa
Ông Lý Xuân Hải đứng trả lời tòa trong phần kiểm tra căn cước
Bị cáo Phạm Trung Cang
"Bầu" Kiên tức Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, ở phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về nhiều tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Trốn thuế" và "Kinh doanh trái phép". Trước khi phiên xử diễn ra, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra đề nghị hoãn tòa với lý do chờ phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như kết thúc. Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch một chi nhánh của Vietinbank) là người đã chiếm đoạt tiền mà Lý Xuân Hải chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank. Trong việc này có trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải. Cùng bị đưa ra xét xử với bầu Kiên còn có ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Có 2 người khác bị khởi tố, truy tố bổ sung về tội "Cố ý làm trái..." là ông Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch ngân hàng Á Châu - ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (cựu thành viên thường trực HĐQT của ACB). Cáo trạng vụ án từng được hoàn tất gửi đến TAND TP. Hà Nội nhưng đã bị trả lại và điều tra bổ sung thêm 2 người này. Từ ngày 22/3/2010, ngân hàng ACB và ông Nguyễn Đức Kiên có chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Từ tháng 6 đến 9/2011, ông Lý Xuân Hải (tổng giám đốc ngân hàng Á Châu) đã chỉ đạo ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbanhk. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch một chi nhánh của Vietinbank) chiếm đoạt. Trách nhiệm này thuộc về ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải. |