Toà cách ly ông Trịnh Văn Quyết để xét hỏi nhóm bị cáo đồng phạm giúp sức

Trả lời xét hỏi, nhiều bị cáo giữ vai trò giúp sức khai, được người của ông Trịnh Văn Quyết nhờ đứng tên công ty, ký chứng từ khống và cho mượn Chứng minh thư để mở tài khoản chứng khoán.

Cách ly ông Trịnh Văn Quyết

Sau gần một ngày công bố bản cáo trạng dài 156 trang, cuối chiều 22/7, HĐXX TAND TP Hà Nội cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) để tiến hành xét hỏi nhóm bị cáo giữ vai trò “giúp sức”.

Một số bị cáo tại toà.

Một số bị cáo tại toà.

Trong vụ án, cơ quan truy tố cáo buộc ông Quyết thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC năm 2009, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ du lịch.

Tới năm 2020, hệ sinh thái FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, ông Quyết chỉ đạo thuộc cấp tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhóm thuộc cấp thân cận của ông Quyết đã nhờ một số người đứng tên cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Faros. Lãnh đạo công ty ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán và cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS.

Từ đó, nhóm bị cáo thuộc Ủy ban chứng khoán nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và cán bộ thuộc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS.

Việc làm này tạo điều kiện cho ông Quyết bán thành công 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng. Đây là hành vi khiến ông bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối với hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán”, cơ quan tố tụng cáo buộc cựu Chủ tịch FLC chỉ đạo thuộc cấp mượn giấy tờ của 45 người khác đứng tên 20 doanh nghiệp, mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC.

5 mã cổ phiếu này liên tục được nhóm ông Quyết mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào lúc mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch. Nhóm đặt lệnh mua bán rồi hủy nhằm tạo cung cầu giả. Hành vi này giúp ông Quyết thu lợi 723 tỷ đồng.

Nhóm bị cáo tại phiên tòa.

Nhóm bị cáo tại phiên tòa.

Nhiều bị cáo cho mượn CMND mở tài khoản chứng khoán

Diễn biến phần xét hỏi cuối chiều nay cho thấy, nhiều bị cáo khai được nhóm lãnh đạo thân cận ông Quyết tới “nhờ” đứng tên các công ty hoặc cho mượn Chứng minh Nhân dân để mở tài khoản chứng khoán.

Cụ thể, bị cáo Trịnh Văn Đại (Phó tổng giám đốc Công ty CP Faros) khai, quá trình làm việc tại FLC được bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên một doanh nghiệp. Đến 2020, ông tiếp tục được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros mà không cần góp vốn.

Trên cương vị mới, ông Đại nhiều lần nhận chỉ đạo từ Huế ký tên trên các chứng từ, hợp đồng…

Về mục đích ký giấy, bị cáo cho rằng “do mình phụ thuộc” nên làm theo phục vụ hoạt động của công ty.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh (cựu Trưởng phòng trực thuộc Công ty TNHH MTV FLC Land) cho hay, cá nhân ông có quan hệ “mật thiết” với ông Trịnh Văn Quyết. Khi làm việc đã ký nhiều giấy tờ không có nội dung, sau này làm việc với cơ quan điều tra ông mới nhận thức "chữ ký năm xưa vô tình đẩy mình vào vòng lao lý".

Bị cáo Trịnh Tuân (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV FLC Land) thì cho hay, vào làm việc tại FLC từ 2009, trong vòng một năm, ông được bổ nhiệm lên Trưởng phòng vật tư thuộc FLC Land.

“Khi làm việc tại công ty tôi không hề góp vốn… sau này làm việc với cơ quan điều tra thì lại có tên mình góp vốn trong công ty”, ông Tuân nói với tâm trạng ngơ ngác.

Còn bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung, chỉ làm một thợ may tự do. Bà khai, khi được nhóm người của ông Quyết “nhờ”, đã không ngần ngại ký vào hợp đồng ủy thác vay mượn trị giá hơn 300 tỷ đồng.

Chủ tọa hỏi “nếu bị cáo không trả được khoản vay mượn trên hợp đồng thì sao?” Bị cáo Dung chỉ cười…!

Ngoài ra, bà Dung cũng thừa nhận cho nhóm ông Quyết mượn Chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán. Tài khoản này, cá nhân bà sử dụng giao dịch mua bán.

Phiên xét hỏi hôm nay ghi nhận khoảng 15 bị cáo khác có nội dung trả lời tương tự là "ký giấy tờ theo chỉ đạo; cho mượn Chứng minh nhân dân...". Tuy nhiên, nhiều người trong số họ khẳng định không được hưởng lợi ích vật chất, một số được nhóm ông Quyết trả lương hoặc tặng vài trăm đến vài nghìn mã cổ phiếu.

Những người thân của bị cáo Trịnh Văn Quyết khai không góp vốn, không phải cổ đông, chỉ được nhờ đứng tên và cho mượn giấy tờ cá nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng An ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN