Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Chẳng hiểu vì lý do gì mà riêng một tổ công nhân quét rác ở Hà Nội có đến 3 người mắc bệnh ung thư nhưng họ vẫn miệt mài với công việc đầy vất vả, nặng nhọc, hôi thối…

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 2Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 3

Tổ môi trường số 7 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội chi nhánh Đống Đa (Urenco 4) là một trong những tổ môi trường đặc biệt nhất mà tôi từng biết. Phải mất nhiều ngày hẹn, chúng tôi mới gặp được những người công nhân vì mọi người chia ca kíp bận liên tục.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 4

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 5

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 6

Chị Nguyễn Thị Thanh – Tổ trưởng cho hay, tổ của chị có 25 công nhân thì từng có 4 người mắc ung thư. Hiện 1 người mới chuyển đi nên tổ còn 3 “bệnh nhân”. Người ung thư tuyến giáp, người ung thư vú… nhưng mọi người đều quay trở lại với nghề khi sức khỏe đã ổn định.

Tổ môi trường số 7 của chị Thanh phụ trách 2 phường Kim Liên và Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội). Nơi đây tập trung rất nhiều bệnh viện lớn nhỏ như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Lão Khoa, Bệnh viện Da liễu Trung ương… và nhiều trường học, khu dân cư, chợ dân sinh… vì thế, khối lượng công việc là vô cùng “khổng lồ”.

Địa bàn rộng, khối lượng rác lớn nhưng chỉ có 25 công nhân khiến mỗi người phải “gánh” lượng rác vô cùng lớn. Chị Thanh nhẩm tính, bình quân mỗi người trong tổ của chị phải thu gom khoảng 2 tấn rác mỗi ca.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 7

“Trước kia cả tổ cũng gần 40 người nhưng mọi người nghỉ dần. Cả chi nhánh Đống Đa và tổ chúng tôi liên tục đăng tin tuyển người nhưng cái nghề quét rác này vất vả lại hôi hám, bẩn thỉu nên chẳng tuyển được ai. Như chúng tôi đây là nghề chọn người, những người làm còn lại ở tổ là những người đã gắn bó lâu năm nên yêu nghề, chứ thế hệ 9X, 10X bây giờ không ai lựa chọn công việc này cả”, chị Thanh tâm sự.

Chị nói tiếp, vất vả nhất của nghề đó là nắng hay mưa, ngày hay đêm cũng đều phải đi làm. Trời nắng nóng 40-41 độ C, mọi người ngồi trong nhà điều hoà mát lạnh nhưng những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải quét rác trên đường. Hay những đêm đông lạnh buốt, ai cũng chăn ấm đêm êm thì những người công nhân vẫn phải quét rác để làm sao sáng hôm sau khi mọi người đi làm thì đường phố, ngõ, xóm được khang trang, sạch đẹp.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 8Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 9

Không chỉ vất vả, nghề công nhân quét rác còn đầy rẫy những nguy hiểm. Các công nhân chia sẻ, nguy hiểm đầu tiên đối với nghề quét rác đó là xảy ra tai nạn trên đường.

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ “xe điên” tông tử vong chị Lê Thị Thu Hà (trú tại Xã Đàn) khi chị đang quét rác trên đường Láng (quận Đống Đa) đêm 22/4/2019. Hay mới đây, chị V.T.H (43 tuổi, trú tại phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liên) đang đẩy xe rác trên đường Cầu Giấy thì bị một thanh niên dùng gạch đập vào đầu từ phía sau khiến chị tử vong.

Đó là những vụ việc điển hình nói lên sự nguy hiểm của nghề công nhân vệ sinh môi trường. Đã có không ít lần những công nhân vệ sinh môi trường trở thành nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 10

Chị Thanh – Tổ trưởng tổ môi trường số 7 kể lại, khoảng cuối năm 2018, khi chị đang quét rác trên đường Phương Mai thì bị một người đàn ông say rượu đi xe máy tông trúng. Cú tông mạnh khiến chị ngã lăn ra đường, choáng váng và ngất đi. Chị được mọi người đưa vào Bệnh viện Đại học Y cấp cứu, chiếu chụp. Rất may, chị chỉ bị thương phần mềm, nghỉ ngơi một thời gian rồi đi làm lại.

Nguy hiểm thứ 2 đó là mối lo về bệnh tật. Hằng ngày đi thu gom rác, ở đó đủ các loại phế thải lẫn lộn với nhau, có người bị mảnh gương cứa đứt tay, có người dẫm phải kim tiêm… Ngoài ra, chẳng ai biết được trong đống rác thải bốc mùi hôi thối ấy có bao nhiêu con vi khuẩn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm mầm mống bệnh tật.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ môi trường số 7, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) chi nhánh Đống Đa được mọi người ví von là “tổ ung thư”. 3 công nhân tại tổ mắc ung thư là điều rất hiếm gặp trong nghề.

Chị Nguyễn Thị Tố Hoa (SN 1973, trú tại Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã làm việc trong ngành môi trường suốt 24 năm qua. Năm 2018 chị phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Tạm gác lại công việc, chị đi mổ, xạ trị. Ấy vậy mà vừa khoẻ lại, chị đã quay trở lại với công việc quét rác.

“Ở nhà buồn chân buồn tay, đi làm còn gặp anh chị em nói chuyện cũng đỡ buồn. Hơn nữa, không đi làm thì không có thu nhập, không có tiền mua thuốc men. Tôi vẫn đang phải uống thuốc để điều trị”, chị Hoa chia sẻ.

Hay chị Hoàng Cẩm Vân (SN 1985) và Nguyễn Thị Hoài (SN 1987) bị ung thư vú, đều phải cắt bỏ một bên. Vừa đi làm nhưng vẫn phải uống thuốc, chị Vân chia sẻ: “Nhiều khi đi làm về, thở vẫn ra mùi kháng sinh”.

Anh Phạm Quang Thanh (SN 1968, quê quán Nam Định) trước đây làm nghề cửu vạn nhưng số phận đưa đẩy anh đến với nghề quét rác. Thế nhưng với thân hình không phải quá to cao thì những xe rác đầy ắp như một thử thách cực độ với anh.

“Nhiều lần, tôi đẩy xe rác nặng quá, mồm hộc cả ra máu tươi. Sợ quá, tôi đi khám thì bác sĩ bảo bị giãn phế quản nên không được làm quá sức”, anh Thanh nói.

Tiếp lời, chị Thanh tổ trưởng thở dài: “Mọi người vẫn khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên nhưng chẳng ai phát hiện ra ung thư. Đến khi phát bệnh rồi thì lo chữa trị.  Cũng chẳng hiểu lý do vì sao tổ của tôi lại có nhiều người mắc ung thư thế. Cùng một công việc mà rất nhiều người, nhiều tổ có ai bị đâu. Đúng là cái số”.

Công việc vất vả và nhiều rủi ro là thế, nhưng đồng lương của các công nhân vệ sinh môi trường chẳng đáng là bao. Chị Thanh chia sẻ, lương trung bình cộng cả phụ cấp độc hại thì mỗi công nhân của tổ chị dao động 6-7 triệu đồng/tháng.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 12Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 13

Đa số công việc của những công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu từ chiều đến đêm. Quy định là ngày làm việc 8 tiếng nhưng có khi công nhân phải làm hơn vì khối lượng công việc quá nhiều. Mỗi người sẽ phụ trách một tuyến đường. Buổi chiều thì quét rác trên đường, chiều tối thì đi gõ kẻng thu gom rác thải sinh hoạt của người dân.

Chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng họ phải thu gom và đẩy hàng chục xe rác nặng trĩu và bốc mùi hôi thối. Không những thế, các công nhân cũng phải căn giờ làm sao để kịp giờ khi xe cẩu rác đến cẩu đi. Nếu chậm một phút thì phải chờ thêm vài tiếng để chờ các xe cẩu sau… Nhiều khi như thế, thời điểm họ về nhà đã nửa đêm.

Suốt 14 năm đi làm công nhân vệ sinh môi trường, anh Phạm Quang Thanh (SN 1968, quê quán Nam Định) đã phải chịu bao nỗi vất vả. Anh nói: “Cực chẳng đã mới phải làm cái nghề này chứ chẳng ai muốn. Ngày nghỉ người ta đi chơi, về với gia đình thì ngày đó, công việc của chúng tôi lại tăng lên gấp 2, gấp 3”.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 14

Quả thực như vậy, những người dân nếu ai sinh sống ở các TP lớn như Hà Nội, TP. HCM sẽ hiểu. Ngày nghỉ lễ, lượng người đổ đi chơi, tham quan đông hơn ngày thường, vì vậy, lượng rác thải ra môi trường cũng vô cùng lớn. Nếu không thu gom kịp, rác sẽ bừa bãi khắp nơi ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Anh Thanh bảo, 14 năm qua, anh mới chỉ về quê ăn Tết được 3 năm, mỗi lần về cũng chỉ 1-2 ngày rồi lại đi.

“Ngày Tết người người quây quần bên nhau, đi làm chạnh lòng lắm chứ, thèm được đón giao thừa cùng vợ con lắm chứ, nhưng đã chọn công việc này thì chúng tôi phải chấp nhận thôi”, anh Thanh bùi ngùi.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 15

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 16

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 17

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 18

Còn đối với chị Nguyễn Thị Tố Hoa, nhà ở Cầu Bươu (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cách chỗ làm việc khoảng 6-7km nhưng cũng đã cả chục năm chị không được đón giao thừa bên gia đình.

“Công việc đã định như thế, mỗi người một tuyến phố hoặc con ngõ, việc ai người ấy làm. Tổ ít người nên không ai có thể hộ ai được. Ai muốn nghỉ thì phải tự tìm người thay thế, tự bỏ tiền túi ra thuê người ngoài làm, mà thuê cũng phải là thuê người làm được việc chứ không phải thuê được là xong.

Nhiều năm nay, tôi về nhà khi đã quá giờ giao thừa, chồng con đi ngủ hết rồi. Có những lúc chồng mắng, bảo bỏ nghề này đi nhưng tôi thực sự yêu nghề. Nếu không yêu thì tôi đã không gắn bó với nó suốt 24 năm qua”, chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa chia sẻ thêm, buồn nhất là hiện nay một bộ phận không nhỏ ý thức của người dân  vẫn có thói quen xả rác bừa bãi. Không chỉ thế, họ coi thường những người làm công nhân vệ sinh môi trường.

“Có người, mình vừa quét xong đẩy xe qua, họ lại vứt rác ngay sau lưng. Nói thì họ bảo: “Không vứt rác ra thì lấy gì cho các người làm”. Hay có những hôm đi thu gom rác sinh hoạt nhưng có những người mang cả bàn ghế gỗ, tủ gỗ… ra vứt. Chúng tôi bảo cái này phải mang ra điểm tập kết chứ không thu gom nhưng họ cứ vứt lên xe rồi sinh ra cãi nhau.

Cũng có những người thì họ đuổi mình như đuổi tà vì xe rác hôi thối, chẳng may có đứng trước cửa, cổng nhà họ để thu gom thì họ đuổi. Xã hội có muôn vạn kiểu người, thế nên làm cái nghề này vất vả đấy nhưng vẫn phải nhịn như “nhịn cơm sống”, nhắm mắt cho qua để làm việc thôi”, chị Hoa nói.

Những người công nhân vệ sinh môi trường như chị Hoa, anh Thanh chỉ mong người dân có ý thức hơn trong việc xả rác, bảo vệ môi trường, đó chính là bảo vệ môi trường sống của chính bản thân họ và người thân họ. Và hơn hết, những người làm nghề công nhân vệ sinh môi trường đáng được trân trọng, vì họ đã chọn hy sinh lợi ích bản thân, chọn lấm bẩn, hôi thối để làm đẹp cho đời.

Tổ quét rác “đặc biệt, có một không hai” ở Hà Nội - 20

Content: Triệu Quang - Hoàn Như

Media: Thanh Hòa

Thứ Bảy, ngày 13/11/2021 00:30 AM (GMT+7)
Theo Triệu Quang – Hoàn Như ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN