Tô Hoài: “Cả đời tôi tích cực sống và viết”
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, câu tự bạch đó như di chúc cho những người viết văn sau này.
Nhà văn Tô Hoài – tác giả của “Dế mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng vừa qua đời ngày 6/7 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội nhận xét Tô Hoài là nhà văn lớn. Những sáng tác của ông từ Cách mạng Tháng Tám đến đầu thế kỷ 21 đã phản ánh toàn diện, sinh động, phong phú về đời sống xã hội, phong tục tập quán... của đất nước.
Văn của Tô Hoài gần gũi với đời sống hiện thực. Ông viết về con người, cảnh đời giản dị, đời thường. Trong đó, ông thường viết vùng quê và con người ngoại ô Hà Nội - nơi ông sinh ra và lớn lên.
Tô Hoài sáng tác Dế Mèn phiêu lưu ký năm 1941, trở thành tác phẩm văn học gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Có thể nói, chú dề mèn với Dế Mèn phiêu lưu ký đã mang tên tuổi ông đi xa, đi dài, đi lâu trong tâm trí người Việt Nam và cả nước ngoài.
Ông còn ghi dấu ấn trong mảng sáng tác khác về miền núi, ví dụ như tập truyện Tây Bắc trong đó có Vợ Chồng A phủ. Cuối đời ông nổi tiếng với hồi ký, tự truyện... Có thể nói nhà văn Tô Hoài sống vì văn vì chữ vì nghiệp viết.
Nhà văn Tô Hoài
Ông Phạm Xuân Nguyên nhớ lại kỷ niệm, hồi đó vào năm 2007, Hội nhà văn Hà Nội tổ chức tọa đàm về cuốn tiểu thuyết “Ba người khác” của nhà văn Tô Hoài. Đây là cuốn tiểu thuyết về cải cách ruộng đất, ông viết từ năm 1992, đến năm 2007 mới xuất bản.
Ông Phạm Xuân Nguyên kể: “Trong buổi tọa đàm thành công đó, tôi ghé tai hỏi bác còn muốn viết gì nữa không?”. Nhà văn Tô Hoài trả lời: “Tớ còn muốn viết một cái về thời bao cấp. Viết theo kiểu Đôn Kihôtê của đại văn hào Tây Ban Nha Cervantes”.
Sau đó, có lần ông Phạm Xuân Nguyên đến nhà Tô Hoài chơi, thấy nhà văn đã mua cuốn Đôn Kihôtê về đọc tham khảo. Tô Hoài nói với Phạm Xuân Nguyên: “Tớ già rồi Nguyên ạ, bây giờ viết như thế chỉ dành cho lớp trẻ, lớp sau thôi. Giờ không còn thời gian và sức lực, mà có viết cũng không bắt chước nổi đại văn hào Tây Ban Nha Cervantes. Nhưng nếu viết được thì hay lắm”.
Theo Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội - ông Phạm Xuân Nguyên, trong cuộc sống, nhà văn Tô Hoài hài hước hóm hỉnh, có chút khôn ngoan. Ông là người của đất ven đô, trong con người ông vừa có chất thị dân, vừa có chất quê của người ven đô trải qua nhiều biến động của thời cuộc.
Trong cuốn kỷ yếu của Hội nhà văn Việt Nam, Tô Hoài tự bạch: “Cả đời tôi tích cực sống và viết”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Vẫn biết, tính về tuổi, 95 tuổi có thể gọi là thọ, đại thọ, gần đây sức khỏe suy yếu, lại bị bệnh tật. Vẫn biết có ngày ông phải chia tay cõi đời, nhưng nghe tin ông mất, chúng tôi bất ngờ và tiếc thương, đau xót”. |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, câu đó như di chúc cho những người viết văn sau này. Nghĩa là nhà văn hãy tích cực sống và viết với vận mạng, đời sống của nhân dân, đất nước.
“Ông mất đi nhưng những trang văn, câu chữ tác phẩm vẫn sống mãi với các thế hệ người Việt”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhận xét, Tô Hoài có một sự nghiệp vĩ đại, hơn 50 năm hoạt động văn học, toàn bộ cuộc đời Tô Hoài dành cho văn học nghệ thuật.
Nhà văn Tô Hoài có số lượng tác phẩm kỷ lục, cho đến nay chưa co ai vượt qua con số hơn 100 đầu sách như Tô Hoài. Các sách của ông có rất nhiều thể loại khác nhau như ký, truyện ngắn, thiểu thuyết... lĩnh vực nào cũng có đóng góp nhất định.
Trong các tác phẩm của mình, Tô Hoài luôn để ý đưa vào tác phẩm ngôn ngữ cuộc sống hàng ngày, các cách nói, khẩu ngữ... Có thể nói ông là “phu chữ xuất sắc”, làm trong sáng ngôn ngữ tiếng Việt.
Tô Hoài cũng có công trong đào tạo lực lượng trẻ, ông là tấm gương lao động điển hình, người anh lớn, có tư cách của một văn nghệ sỹ bậc thầy trong mắt các nhà văn trẻ.
Là người thường xuyên gặp gỡ thân thiết với nhà văn Tô Hoài, ông Bằng Việt cho rằng, Tô Hoài là người đạo đức, khiêm tốn, bình dị, sống thanh thản, không màng danh lợi. Trong cuộc sống, nhà văn Tô Hoài rất thông minh, hóm hỉnh, bậc thầy pha trò, luôn làm mọi việc trở nên vui vẻ, khôi hài.
“94 tuổi, ông vẫn minh mẫn, lúc nào cũng vui vẻ. Không ai nghĩ rằng ông ra đi nhanh thế. Giờ chỉ còn niềm tiếc thương”, nhà thơ Bằng Việt xúc động chia sẻ.
Tên thật của ông là Nguyễn Sen, quê nội ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tuy nhiên ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh quê hương sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. |