Tố Đặng Lê Nguyên Vũ giả mạo chứng cứ, bà Thảo cần gì?
Không đồng ý với việc VKSND TP.HCM đánh giá về công sức đóng góp khởi nghiệp, tố cáo ông Đặng Lê Nguyên Vũ có dấu hiệu giả mạo giấy tờ và đề nghị TAND TP.HCM cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ… là những yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong vụ án ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên.
Chiều 1.3, TAND TP.HCM một lần nữa phải ra quyết định tạm dừng phiên tòa, kéo dài thời gian nghị án vụ tranh chấp hôn nhân giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tới 27.3 theo đề nghị của bà Thảo.
Trả lời báo chí về những yêu cầu của mình, bà Thảo cho hay, việc nêu quan điểm của VKSND TP.HCM đang theo hướng có lợi cho ông Vũ và không căn cứ theo quy định của pháp luật về phần phân chia tài sản là cổ phần trong 7 công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Bởi bà Thảo là người đã nhiều lần trực tiếp đưa tiền cho ông Vũ để xây dựng, phát triển Trung Nguyên. Công sức, tiền bạc khởi nghiệp là có sự đóng góp rất lớn của bà Thảo.
Mặt khác, bà Thảo cùng tham gia điều hành, quản lý hoạt động của Trung Nguyên thì công sức của bà phải căn cứ vào thực tế. Tuy nhiên, VKSND lại nhận định ông Vũ là “linh hồn” của Trung Nguyên để xét mức độ đóng góp công sức là chưa đúng.
Về khoản tiền 2.109 tỷ, bà Thảo giữ nguyên quan điểm, việc xác định tài sản trong các ngân hàng phải được xác định tại thời điểm giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, tòa án cũng như phía ông Vũ lại đưa ra những căn cứ được xác minh cách thời điểm xét xử rất lâu trước đó là không đúng. Hơn nữa, việc này phía ông Vũ và các ngân hàng không đưa ra được hồ sơ chứng minh, tòa án cũng chưa hòa giải là không đúng thủ tục tố tụng và không đủ căn cứ để giải quyết.
Việc nêu quan điểm của VKSND TP.HCM đang theo hướng có lợi cho ông Vũ và không căn cứ theo quy định của pháp luật.
Một sự việc phát sinh trong phiên xét xử là phía bà Thảo cho rằng chứng cứ ông Vũ đưa ra có dấu hiệu bị giả mạo? Theo đó, trong các phiên xét xử trước, ông Vũ đưa ra các tài liệu photo mà không cung cấp được bản gốc hợp pháp, bao gồm: Giấy phép kinh doanh năm 1996, tài liệu chuyển đổi từ Hợp tác xã thành Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên.
Cũng theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Thảo, tại thời điểm mà bên bị đơn là ông Vũ trình bày, năm 2002, Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên được chuyển đổi từ Hợp tác xã cà phê Trung Nguyên là hoàn toàn không đúng quy định về chuyển đổi doanh nghiệp, bởi không có quy định cho phép chuyển đổi từ hợp tác xã thành công ty.
Vì vậy, sau quyết định tạm dừng phiên xét xử ngày 25.2 để kéo dài thời gian nghị án, phía nguyên đơn bà Thảo đã có yêu cầu đề nghị TAND TP.HCM tạm dừng phiên tòa, tiếp tục xác minh, củng cố thêm hồ sơ vụ án. Đồng thời phía bà Thảo trình bày sẽ cung cấp thêm những bằng chứng có liên quan đến việc đóng góp thành lập, xây dựng và phát triển Trung Nguyên.
Đề nghị Tòa án làm rõ những giấy tờ bên bị đơn cung cấp là thật hay giả mạo; phía ngân hàng cũng như ông Vũ cung cấp số dư tài khoản tại thời điểm hiện tại. Bị đơn phải đưa ra các bằng chứng chứng minh việc đóng góp công sức, căn cứ yêu cầu chia tỷ lệ cổ phần là 70/30. Xem xét nhập việc phân chia công ty tại Singapore vào để giải quyết trong cùng vụ án.
Vì những lẽ đó, phía bà Thảo đã đề nghị tòa dừng phán quyết vụ án tới ngày 27.3.
Phía bà Thảo tố ông Vũ có dấu hiệu giả mạo bằng chứng.
Như Dân Việt đã đưa tin, sau 2 ngày xét xử (20, 21.2) và thời gian nghị án, chiều 25.2, hai bên đương sự cũng như đông đảo người quan tâm vụ án trông chờ phán quyết của tòa án đối với vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo. Tuy nhiên, HĐXX đã phải đưa ra quyết định kéo dài phiên tòa và thời gian nghị án cho đến chiều 1.3 nhưng lại bị tạm dừng cho đến ngày 27.3 mới đưa ra phán quyết.
Tại phiên xử ngày 25.2, đại diện VKSND TP.HCM phát biểu quan điểm: Đề nghị tòa án giải quyết cho ông Vũ bà Thảo được ly hôn theo luật định. Đồng ý với sự thống nhất của hai bên đương sự về vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, phân chia tài sản là 13 bất động sản... đã được hai bên thống nhất tại tòa.
Theo đó, bà Thảo trực tiếp chăm sóc ba người con (một người đã qua tuổi vị thành niên). Ông Vũ chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con với số tiền 10 tỷ đồng/năm, từ 2013 đến hết học đại học.
Tài sản là 13 bất động sản giải quyết theo phương án các bên đưa ra, ai đang sở hữu, sử dụng tài sản nào thì tiếp tục sở hữu bất động sản đó. Bà Thảo chịu trách nhiệm thanh toán lại phần chênh lệch cho ông Vũ.
Về số cổ phần trong 7 công ty thuộc tập đoàn cà phê Trung Nguyên, ông Vũ đề nghị chia cổ phần theo tỷ lệ 70/30, ông Vũ sẽ trả tiền mặt số 30% cổ phần cho bà Thảo và giữ lại tài sản.
Tuy nhiên, bà Thảo muốn chia tài sản cụ thể đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên 51% cho bà Thảo và 39% cho ông Vũ, lý do mẹ ông Vũ đang nắm giữ gần 10%, như vậy đối với tỷ lệ 51% - 49% các bên không thể dùng ý chí của mình để áp đặt bên kia.
VKSND nhận định căn cứ luật Hôn nhân Gia đình, tài sản sau thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất vợ chồng, khi phân chia có tính đến phần đóng góp và tạo lập của mỗi bên. Đề nghị tòa xem xét giải quyết phân chia tài sản cho phù hợp.
Đối với tài sản là tiền, vàng, các tài khoản tại các ngân hàng do còn sai sót về mặt tố tụng và chưa đủ căn cứ nên chưa có đủ cơ sở để giải quyết. Đối với công ty tại Singapore, do trước đó tòa án đã tách ra giải quyết ở vụ án khác mà chưa có quyết định nhập về nên không có cơ sở giải quyết trong vụ án này.
Tại phiên xử, luật sư đại diện theo ủy quyền phần tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn đề nghị tạm ngưng...