Tổ bay kể chuyện sơ tán công dân Việt Nam ở Ukraine
Chuyến bay đầu tiên sơ tán công dân Việt Nam từ Ukraine về nước đã hạ cánh an toàn vào trưa 8/3. Sau chuyến bay, các thành viên tổ bay, hành khách đã có những chia sẻ về hành trình vừa trải qua.
Những người Việt đầu tiên ở Ukraine được sơ tán về nước an toàn.
"Ánh mắt đồng bào thôi thúc tôi"
Để thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên sơ tán công dân từ Ukraine về nước, Vietnam Airlines đã bố trí tổ bay lên tới 25 thành viên, trong đó riêng phi công có 5 người với 3 cơ trưởng, còn lại là tiếp viên, kỹ thuật, nhân viên mặt đất…
Sau khi kết thúc hành trình, cơ trưởng Hồ Minh Tâm, chỉ huy chuyến bay cho biết: Sân bay đón người Việt ở Rumania là nơi lần đầu tiên hãng hàng không Việt Nam tới; đường bay cũng có nhiều vùng trời lần đầu qua. Theo cơ trưởng Tâm, trước hành trình, hãng có 3 ngày chuẩn bị cho chuyến bay. Do chiến sự nên chuyến bay phải có lộ trình tránh càng xa khu vực nguy hiểm càng tốt, lại phải vừa ngắn nhất để tối ưu chặng bay. Khi chọn xong hành trình bay, lại rơi vào ngày cuối tuần, nên việc xin cấp phép bay tại các nước đi qua, sân bay tới cũng không đơn giản và cần sự hỗ trợ rất nhiều từ các bộ ngành.
“Do Ukraine có chiến sự nên hành trình phải bay vòng và lần đầu tiên bay qua một số khu vực như Tây Tạng, Kazakhstan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, sau đó mới vào Rumania.
Khi nhìn ánh mắt rạng rỡ của những người Việt vừa thoát khỏi vùng chiến sự đặt chân lên cửa máy bay, mọi lo lắng, mệt mỏi của chúng tôi sau chặng bay kéo dài gần 12 giờ đồng hồ, đều tan biến”, cơ trưởng Tâm chia sẻ.
Tổ bay nhiều kinh nghiệm được bố trí thực hiện chuyến bay đầu tiên sơ tán công dân Việt Nam ở Ukraine về nước, với đường bay và sân bay lần đầu tiên bay qua.
Còn cơ phó Trần Duy Linh xúc động khi kể về những ánh mắt khát khao trở về của đồng bào. Theo cơ phó Linh, dù tham gia khá nhiều chuyến hỗ trợ công dân từ khắp nơi trên thế giới về nước trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, nhưng nhiệm vụ đưa công dân từ Ukraine về nước lần này là kỷ niệm không thể nào quên đối với anh.
Tiếp viên trưởng Phạm Thái Hoà-người có 27 năm kinh nghiệm, đã tham gia rất nhiều chuyến bay sơ tán công dân vùng chiến sự Lybia, hay các chuyến bay đưa công dân từ các vùng dịch COVID-19 trên khắp thế giới về nước. Dù vậy, tham gia chuyến bay đầu tiên sơ tán công dân từ Ukraine về nước với anh lại mang ý nghĩa khác.
“Qua ánh mắt hành khách suốt chuyến bay cũng như khi về tới sân bay Nội Bài, về trong vòng tay người thân, tôi thấy: Dù ở đâu, Tổ quốc luôn hướng về đồng bào; dù ở đâu, mỗi người con Việt Nam đều rất hạnh phúc khi được trở về quê hương”, anh Hoà nói.
Tiếp viên trưởng Phạm Thái Hoà.
“Rất khác các chuyến bay giải cứu công dân từ vùng dịch 2 năm qua, chuyến bay lần này, khách của chúng tôi là người Việt vừa thoát khỏi vùng chiến sự. Họ căng thẳng và buồn bã. Họ là những người thiệt thòi nhất. Khi chiến sự nổ ra, nhà cửa, tài sản bao năm tích cóp, đều bỏ lại để chạy nạn. Họ phải vượt chặng đường rất xa, kéo dài nhiều ngày để có thể rời các vùng chiến sự ở Ukraine tới được Rumania và lên được chuyến bay về nước. Do đó, chúng tôi cố gắng phục vụ họ có một chuyến bay chu đáo, tận tâm nhất, thể hiện trách nhiệm và vai trò của Đảng và Nhà nước, hãng hàng không với đồng bào mình”, tiếp viên Nguyễn Nam Thành bổ sung thêm.
“Con, cháu tôi chưa biết lưu lạc nơi đâu?”
Là 1 trong gần 300 hành khách đầu tiên an toàn về tới Nội Bài, ông Hoàng Quốc Tuấn cho hay, ông rời Việt Nam tới Ukraine sống và làm ăn từ năm 1986. Tại Kiev, vợ chồng, con cái và cháu ông Tuấn buôn bán ở chợ.
“Khi tiếng đạn pháo nổ trên bầu trời Kiev, gia đình tôi cũng không biết trông cậy vào đâu, đi hướng nào, chỉ biết hoà vào dòng người sơ tán khỏi Ukraine. Không nghĩ rằng chiến sự xảy ra thật. Đạn nổ là bỏ lại tất cả, cả nhà chạy, như chim vỡ tổ. Lên máy bay tôi thấy mình như được sinh ra lần nữa. Hiện tôi vẫn chưa biết gia đình các con và 2 cháu của mình đang lưu lạc chỗ nào, vì mỗi đứa đi một hướng. Tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ để được về với quê cha, đất mẹ”, ông Tuấn xúc động chia sẻ sau chuyến bay.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, với 33 năm định cư tại Ukraine.
Cùng mẹ, vợ và con trai an toàn về tới Việt Nam, anh Trần Đức Thịnh kể lại, anh bán hàng trong chợ ở Odessa (Ukraine). Khi thành phố vang lên những tiếng đạn đầu tiên, cộng đồng người Việt tại đây cùng lên đường sơ tán sang sang Moldova.
Để tới được Moldova, gia đình anh Thịnh cùng những người Việt khác phải đi từ 8 giờ sáng tới 23 giờ mới tới được biên giới. Tới 1 giờ sáng hôm sau, gia đình anh mới được sắp xếp chỗ nghỉ. Nghỉ ngơi vài tiếng cho lại sức, tới 6 giờ sáng đoàn người lại tiếp tục hành trình di chuyển vào thành phố để bắt xe sang Rumania.
“Chúng tôi di chuyển 3 ngày liên tục mới tới được Rumania. Đợi thêm 2 ngày để lên được chuyến bay đầu tiên về nước. Tôi thấy mình và gia đình thật sự may mắn khi đã được về nước an toàn. Sự niềm nở và tận tình của tổ bay giúp chúng tôi vơi đi phần nào lo lắng”, anh Thịnh chia sẻ thêm.
Căn cứ theo nhu cầu của người Việt ở Ukraine muốn về nước, tới nay chúng ta đã có kế hoạch tổ chức 3 chuyến bay sơ tán công dân về nước. Ngoài chuyến bay đầu tiên đã về tới Nội Bài ngày 8/3, dự kiến chuyến thứ 2 sẽ về nước vào sáng 10/3 (điểm đón tại Ba Lan); chuyến thứ 3 dự kiến về Hà Nội trưa 11/3 (điểm đón tại Rumania). Để triển khai hiệu quả việc sơ tán công dân Việt Nam tại Ukraine về nước, ngày 8/3, Cục Hàng không đã có thêm văn bản yêu cầu các hãng hàng không lên kế hoạch và sẵn sàng thực hiện các chuyến bay sơ tán công dân tiếp theo theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo đề nghị của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Đồng thời, các hãng thông báo tới tất cả hành khách trước mỗi chuyến bay về các yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cục hàng không cũng yêu cầu đơn vị quản lý các sân bay tiếp nhận chuyến bay sơ tán công dân về nước phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đón công dân, hỗ trợ việc nhập cảnh đảm bảo kịp thời, an toàn phòng chống dịch. Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng được cơ quan chức trách hàng không yêu cầu sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ khi có chuyến bay sơ tán công dân Việt Nam về nước hạ cánh tại sân bay này. |
Nguồn: [Link nguồn]
"Sau khi chạy từ Odessa sang Moldova, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều xem nên ở hay đi. Thế rồi chúng tôi động viên nhau ‘còn người còn của, mất mát rồi sau này mình làm lại'....