TNGT: Lái xe cụt chân vẫn được cấp bằng

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức hôm qua (2/7), một câu chuyện được nêu ra là tấm giấy phép của người lái xe cụt 2 chân vừa được phát trên truyền hình.

Ông Trần Sơn Hà (Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt) cho biết, theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT, người phải đủ chân tay, tri giác, mắt tinh, tai thính mới được thi giấy phép lái xe. Ông Hà cũng dẫn chứng, có lần gặp lái xe khách gây TNGT không biết chữ, khi ký biên bản thì anh ta điểm chỉ. Hỏi học ở đâu, anh ta không trả lời được, vì làm thủ tục qua một người khác.

Còn tài xế trong vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Serepok đã từng lĩnh 8 năm tù vì án ma túy và trong quá trình thụ án, anh ta vẫn được đổi giấy phép lái xe. Đến khi mãn hạn tù, người tài xế này lại được đổi giấy phép lần 2. Còn nhiều trường hợp khác nữa, như vụ đổ xe ở Núi Guộc, Nghệ An, lái xe chỉ có 1 chân…

TNGT: Lái xe cụt chân vẫn được cấp bằng - 1

Tọa đàm trực tuyến "Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông” ngày 2/7. Ảnh Toàn Thắng/VGP

Ông Hà thừa nhận, sự kiểm soát cấp bằng lái chưa chặt, khiến có người làm giả hoặc thông qua một cách nào đó để lấy giấy phép lái xe.

Ông Nguyễn Hồng Trường (Thứ trưởng Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng một quy trình cấp phép cho các trung tâm đào tạo lái xe, sát hạch. Để đảm bảo khách quan, khâu đào tạo và khâu sát hạch đã được tách rời.

Ông Trường cũng cho rằng, nhiều người học lái xe nhưng không có xe. Học xong có giấy phép lái xe nhưng không lái trong một thời gian dài, thi thoảng mới lái trở lại nên trình độ tay nghề cũng không đảm bảo. Trước kia, rất nhiều trường hợp lái xe sử dụng bằng giả. Để chống bằng giả, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai làm bằng mới theo công nghệ hiện đại, có thể lưu hành quốc tế và đến nay chưa phát hiện bằng giả loại mới.

“Chúng tôi đã phối hợp với CSGT kiểm tra các trung tâm sát hạch để phát hiện lỗ hổng. Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép thu chi phí xăng đi đường dài đối với học viên để đảm bảo số giờ học trên đường.” – Ông Trường nói.

TNGT: Lái xe cụt chân vẫn được cấp bằng - 2

Hiện trường vụ xe tải va vào hai xe máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu khiến 6 người tử vong ngày 9/6

Trước câu hỏi về tình trạng mãi lộ và thiếu trách nhiệm của CSGT, ông Trần Sơn Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đã xử lý hơn 20 trường hợp CSGT vi phạm. Đây là các trường hợp vi phạm quy trình. Thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật. Cũng trong 6 tháng đầu năm, CSGT đã lập biên bản trên 400 lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền mãi lộ. Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. CSGT có quy chế để kiểm soát và đường dây nóng.

“Mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết.” – Ông Hà nói.

Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia) cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông là điều quan trọng, nhưng văn hóa giao thông phải nằm trong tổng thể chung của nền tảng văn hóa xã hội. Nếu công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng nghiêm thì ý thức người tham gia giao thông sẽ cao lên.

Ông Trần Sơn Hà (Phó Cục trưởng Cục C67) cho rằng, nhiều năm nay chúng ta buông lỏng quản lý kinh doanh vận tải, nhiều chủ phương tiện khoán trắng cho lái xe, lái xe chạy theo lợi nhuận nên xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng…

Kinh doanh vận tải ở các hợp tác hiện theo hình thức bán thương hiệu, góp tiền mua xe chạy. Quản lý lái xe rất lỏng lẻo, hợp đồng không chặt chẽ, để lái xe nghiện hút, tự tung tự tác trên đường, thậm chí mỗi ngày vi phạm tốc độ hàng trăm lần…

Chinhphu.vn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên (Lược trích từ Chinhphu.vn) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN