Tình tiết bất ngờ trước phiên phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng
Theo dự kiến, ngày 22/4, TAND Tối cao mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm ở Vinalines. Trước phiên phúc thẩm đã có những tiết tình mới xuất hiện khiến việc xử lý vụ án có những diễn biến khó lường.
Theo nguồn tin Dân Việt có được, gia đình hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vừa nộp khoản tiền khắc phục một phần hậu quả vụ án. Theo đó gia đình Dương Chí Dũng nộp 4,7 tỷ đồng, gia đình Mai Văn Phúc nộp 3,5 tỷ đồng.
LS Triển cho hay, khi đem tiền đến nộp, gia đình của 2 bị cáo trên được Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội yêu cầu viết rõ là “nộp khắc phục hậu quả của tội Tham ô tài sản”, trong khi ý định của gia đình chỉ là khắc phục một phần hậu quả vụ án.
Bị cáo Dũng và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.
Cả bị cáo Dũng và Phúc cùng bị Tòa cấp sơ thẩm kết tội tham ô mỗi người 10 tỷ đồng và cùng phải nhận bản án tử hình cho tội danh này. Nếu như ở vào trường hợp cả 2 bị cáo cùng nhận tội Tham ô, việc gia đình giúp nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ giúp vụ án được tuyên theo hướng có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên đến thời điểm này cả bị cáo Dũng và Phúc vẫn cho rằng mình không phạm tội Tham ô.
Theo Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao. Mục 4 hướng dẫn xử lý với tội Tham ô tài sản: Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu: Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt; Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
Ở phiên tòa sơ thẩm Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc bị tuyên tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Trần Hữu Chiều 10 năm tù tội Tham ô, 9 năm tội Cố ý làm trái quy định. Trần Hải Sơn 14 năm tù tội Tham ô, 8 năm tội Cố ý làm trái, Mai Văn Khang 7 năm tù, Bùi Thị Bích Loan 4 năm tù, Lê Văn Dương 7 năm tù, Huỳnh Hữu Đức 8 năm tù, Lê Ngọc Triện 8 năm tù, Lê Văn Lừng 8 năm tù.