"Tỉnh ta, 1 năm có 1.086 HS bỏ học là bình thường, cứ yên tâm”
Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII, diễn ra từ ngày 17-20/8, đề án thu học phí được UBND tỉnh đưa ra để các đại biểu thông qua, song đã bị “bác” bởi không phù hợp với thực tiễn địa phương. Và càng bất ngờ hơn khi vị Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này phát biểu, hơn 1.000 học sinh bỏ học trong 1 năm là… bình thường.
Một lớp học ở vùng rẻo cao Đakrông.
1 năm có 1.086 học sinh bỏ học là… bình thường
Tại kỳ họp HĐND này, sau khi nghe Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Hoàng Đức Thắm phát biểu “Ở tỉnh ta, 1 năm có 1.086 học sinh bỏ học là bình thường, cứ yên tâm”, các đại biểu trong khán phòng chỉ biết nhìn nhau rồi cùng kêu: “ồ lạ quá” (?!).
Theo ông Thắm, năm học 2015-2016 tỉnh Quảng Trị có 1.086 học sinh bỏ học, trong đó cấp Trung học phổ thông có 623 em, Trung học cơ sở 400 em và tiểu học 63 em. Và vị Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị lý giải: “So với mọi năm thì con số bỏ học đó là bình thường, không có gì đột biến. Chúng tôi đã so sánh với Quảng Bình bỏ học đến 975 học sinh, còn Thừa Thiên-Huế bỏ học đến 1.121 em. Như vậy, con số học sinh bỏ học của tỉnh ta so với các năm trước là bình thường, và so với các tỉnh khác cũng bình thường, nên cứ yên tâm, không có gì đột biến đâu”.
Nguyên do học sinh bỏ học có nhiều, song theo ông Thắm, chủ yếu là do lười học, hụt kiến thức không theo kịp chương trình nên phải bỏ, rồi hoàn cảnh khó khăn, hay sinh viên ra trường không có việc làm tác động đến tâm lý học sinh.
HĐND "bác" đề án tăng học phí
Theo đề án, biểu mức thu phí trong năm học 2016-2017 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và biểu mức thu phí năm học 2016-2017 đến 2020-2021 đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ Cao đẳng, Trung cấp đều có sự điều chỉnh, đa phần là tăng lên. Cụ thể ở thành thị, cấp Mầm non học phí từ 120 nghìn đồng/tháng/học sinh tăng lên 180 nghìn đồng; cấp học Trung học cơ sở (THCS), Bổ túc THCS từ 50 nghìn đồng/tháng/học sinh tăng lên 150 nghìn đồng; cấp học Trung học phổ thông từ 70 nghìn đồng/tháng/học sinh tăng lên 165 nghìn đồng...
Đề án này do Sở GD&ĐT Quảng Trị xây dựng, căn cứ vào Nghị định 86 có quy định khung học phí tối đa, song mức học phí có độ chênh lệch khá lớn tùy vào khu vực thành thị hay miền núi. Riêng học sinh ở các vùng miền biển bị ảnh hưởng sự cố cá chết, tùy theo tình hình cụ thể để quyết định không thu học phí.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã có ý kiến rằng việc tăng học phí là chưa phù hợp, cần có lộ trình. Theo Bí thư huyện Đakrông, bà Ly Kiều Vân, thực tế tại huyện miền núi Đakrông, học sinh chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Việc tăng học phí mà không theo lộ trình, ví dụ như từ 10 nghìn đồng lên 30 nghìn đồng là rất khó khăn cho các cấp học.
"Thu học phí không theo lộ trình sẽ khiến học sinh bỏ học. Nên đề nghị cần rà soát lại cho đúng tình hình với từng địa phương", bà Vân cho hay. Còn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, đề án mức thu học phí chưa lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, chưa thông qua một số ban ngành. Và với thực tế của tỉnh Quảng Trị mà tăng học phí như vậy là chưa hợp lý.
Là đơn vị xây dựng đề án, song sau khi giải trình những ý kiến chất vấn trước HĐND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Hoàng Đức Thắm thừa nhận là chỉ tổ chức gặp phụ huynh của… 2 trường để hỏi ý kiến mà thôi. Và ông Thắm cũng bày tỏ ý kiến cá nhân của mình rằng mức học phí tăng như vậy là cao, nên giảm mức học phí so với đề án này.
Do đề án chưa lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng, chưa thông qua đầy đủ các ban ngành, nên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nói sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng đề án lại, có đầy đủ ý kiến và có lộ trình thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến, phản biện của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các ĐBHĐ biểu quyết. Kết quả, 100% đại biểu biểu quyết tán thành chưa thông qua đề án này. "Đề án chưa được thông qua ở kỳ họp lần này. Cần chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án mức thu học phí và có lộ trình thực hiện cụ thể", ông Hùng kết luận.