Tình người trong vụ chìm tàu kinh hoàng

“Khi canô bị lật, chúng tôi thoát ra ngoài bằng cửa trước và cửa sau rồi ngoi lên mặt nước bám trụ vào phần canô còn nổi. Do sức yếu, không biết bơi nên tôi được sự giúp đỡ rất nhiều từ các anh Phước, Tuấn, Đức, Hiệp…”, chị Thu kể.

Sáng 8/8, Cảng vụ TP.HCM đã mời một số công nhân, nhân viên của Công ty PV PIPE đến để tường trình về vụ canô H29-BP bị chìm. Ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc Công ty Vũng Tàu Marina, cũng được mời đến làm việc.

Áo phao trên canô không đủ


Tại buổi làm việc, những người sống sót trở về đều có chung một tâm trạng bần thần và cho biết ngủ không yên giấc khi nhớ về tai nạn kinh hoàng và những cái chết thương tâm của đồng nghiệp. Một số nhân viên cho hay, hiện Công ty PV PIPE cho họ tạm nghỉ để ổn định sức khỏe và tinh thần. Chuyến đi chơi ngày 2/8 cũng là dịp nghỉ dưỡng cho mọi người sau khi một dự án dưới Tiền Giang hoàn thành. Danh sách những người đi đã được lập và họ được thông báo ngay từ đầu sẽ đi bằng ba canô.

Tình người trong vụ chìm tàu kinh hoàng - 1

Lai dắt tàu bị nạn vào bờ

Anh Lai Hồng Phúc, người đi trên canô H29-BP may mắn bình an trở về, nhớ lại: “Trên canô chật cứng người. Mọi người ngồi hai hàng ghế chính, một hàng ghế nhựa ở giữa và một số đứng phía ngoài, trong ấy có tôi. Áo phao trên canô không đủ, canô không có hệ thống định vị, không có đèn báo cứu nạn khẩn cấp”.

Cũng theo anh Phúc, khi canô đi trong luồng sông thì nước êm, sóng không lớn. Nhưng khi ra cửa biển trời bắt đầu mưa to, sóng lớn. Có thể do trời tối, không quen đường nên thuyền trưởng phải vừa đi vừa dò hỏi. Thậm chí có lúc bị mắc cạn, thợ máy phải nâng chân vịt lên thì canô mới thoát ra được. Đi được một đoạn sau đó ra vùng nước sâu hơn thì sóng đánh mạnh và canô bị lật chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn.

Anh Phúc mô tả: Khi canô lật nghiêng, khoảng 15 người bị rơi xuống nước phải bám vào mép canô, số còn lại đứng ở phần canô vẫn nổi. “Sau đó hầu hết những người ở dưới nước đều tử nạn vì kiệt sức, trong đó có ông Phúc - thuyền trưởng. Chúng tôi động viên mọi người bình tĩnh và thay phiên nhau bơi ra để kéo những người bị sóng đánh tuột tay khỏi canô. Hiệp đã nhiều lần bơi ra kéo Phạm Thị Thu lại, tôi cũng kéo chị Hoàng lại. Nhưng sau đó vì sóng lớn, sức kiệt nên nhiều người trôi dần đi. Còn tôi do biết bơi nên vẫn trụ dưới nước lạnh cho tới khi được cứu…” - anh Phúc buồn bã.

Nếu cứu hộ kịp, hậu quả đã khác

Chị Phạm Thị Thu (22 tuổi, nhân viên y tế của Công ty PV PIPE) cho hay sức khỏe đã đỡ hơn nhưng ngủ được rất ít. Trong bản tường trình, chị Thu kể: “Khi canô bị lật, chúng tôi thoát ra ngoài bằng cửa trước và cửa sau rồi ngoi lên mặt nước bám trụ vào phần canô còn nổi. Do sức yếu, không biết bơi nên tôi được sự giúp đỡ rất nhiều từ các anh Phước, Tuấn, Đức, Hiệp…”.

“Người giúp đỡ tôi nhiều nhất là anh Trần Hữu Hiệp. Mỗi lần sóng đánh mạnh vào canô khiến mọi người tuột tay chìm vào biển nước là anh Hiệp vội kéo tôi lại và đẩy lên phần canô còn nổi. Anh đã cứu tôi rất nhiều lần như vậy. Sau đó khi tôi không thể bám trên phần nổi của canô, anh Hiệp vẫn cố sức đỡ tôi, bảo tôi bám vào sợi dây buộc ở canô và động viên tôi hãy cố gắng” - chị Thu kể.

Tình người trong vụ chìm tàu kinh hoàng - 2

Chị Phạm Thị Thu khóc khi kể về những đồng nghiệp của mình. Ảnh: Châu Thành

Cũng theo chị Thu, do thời gian lênh đênh trên biển quá lâu, sóng đánh lớn, đói và lạnh nên chị thấy anh Hiệp ói liên tục. Tuy nhiên, anh vẫn cố đỡ để chị không bị sóng đánh trôi ra ngoài. Nhưng rồi anh Hiệp cũng không chịu đựng nổi nên buông tay, chìm dần. Mọi người hô hoán nhau giữ anh lại nhưng vì sóng lớn quá nên không giữ nổi. Sau đó những người xấu số khác cũng lần lượt ra đi…

“Tôi xin đính chính lại là anh Hiệp nhường áo phao cho ai thì tôi không rõ vì lúc đó quá hoảng loạn. Còn bản thân tôi khi canô chạy được một lúc thì đã mặc áo phao. Tôi mong các ban ngành liên quan sẽ có hướng giải quyết thỏa đáng và đề cao tấm gương cao cả của các anh chị đã mất để linh hồn của họ bình an siêu thoát…” - chị Thu nghẹn ngào.

Còn theo anh Thắng, người đi trên một canô khác thì khi thấy canô H29-BP gặp nạn, họ chỉ biết nhắn gọi về báo cho lãnh đạo công ty là ông Hà Ngọc Phước. “Những ngày qua anh Phước cũng rất bối rối. Nhưng nếu ngay lúc biết tin, anh Phước bình tĩnh báo vụ việc với lãnh đạo tổng công ty, tập đoàn để điều tàu, trực thăng ra ngay thì có thể đã cứu được nhiều anh chị em khác…” - anh Thắng nói.

Chuyến đi này là tự nguyện, tự phát do nhà máy sản xuất ống thép thỏa thuận với các nhân viên. Nếu biết ngay từ đầu, tôi đã không cho phép đi.

Tôi nhận được thông tin về vụ tai nạn vào khoảng 0 giờ 30 ngày 3/8. Ngay lập tức, tôi báo cho các cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ và cũng thuê thêm trực thăng tìm người. Nếu tôi nhận được thông tin từ sớm, có thể sự việc sẽ bớt nghiêm trọng hơn.

Theo lời kể, các anh Hà Tiến Sơn, Nguyễn Bá Đức, Cam Hoàng Phương Khanh và Trần Hữu Hiệp đã có những nghĩa cử rất cao đẹp. Tôi đã cử nhân viên gặp mặt những người còn may mắn sống sót để ghi nhận lại nghĩa cử đó để làm cơ sở thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận, trao tặng các danh hiệu để tôn vinh các anh.

Ông TRẦN ĐĂNG THUYẾT,  Giám đốc Công ty PV PIPE

M.PHONG (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Tuyền (Pháp luật TP.HCM)
Chìm tàu ở Cần Giờ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN