Tình huống pháp lý vụ nhân viên gác chắn tàu bị người phụ nữ hành hung
Liên quan vụ nữ nhân viên gác chắn tàu ở TPHCM bị hành hung gãy xương mũi, công an đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thùy Trang để điều tra.
Ngày 1/1 Công an TP Thủ Đức ra quyết định bắt khẩn cấp Nguyễn Thùy Trang (SN 1988, ngụ tỉnh Bạc Liêu) để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.
Đối tượng Nguyễn Thùy Trang. Ảnh: CACC
Theo điều tra, khoảng 20h40 ngày 30/12, tại đường ngang km 1717+600 (chùa Ưu Đàm, đường Kha Vạn Cân, TPHCM), nhân viên đường sắt đã đóng chắn chuẩn bị đón đoàn tàu số hiệu 4501 thông qua. Trong lúc các phương tiện và người tham gia giao thông đã dừng chờ, bà Trang yêu cầu nữ nhân viên gác chắn đường sắt Võ Thị Bình mở gác chắn để đi qua.
Không được đáp ứng, bà Trang chửi bới rồi xông vào hành hung nữ nhân viên đường sắt. Dù được nhân viên chắn tàu khác và người đi đường can ngăn nhưng bà Trang vẫn túm tóc, đánh tới tấp khiến bà Bình bị thương.
Bà Bình được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức điều trị trong tình trạng gãy xương mũi.
Ngay trong đêm, Công an phường Hiệp Bình Chánh đến hiện trường, đưa bà Trang về trụ sở để lấy lời khai, làm rõ hành vi. Tại cơ quan công an, bà Trang đã thừa nhận hành vi của mình.
Người phụ nữ hành hung nhân viên đường sắt. Ảnh cắt từ clip
Trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp này người phụ nữ hành hung, đánh chị Bình có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích vì lý do nhỏ nhặt bị cản trở giao thông. Bà Trang đã dùng vũ lực tấn công gây tổn hại sức khỏe người khác, người phụ nữ thể hiện bản tính vũ phu, có dấu hiệu cản trở người khác thực thi nhiệm vụ, công vụ, đe dọa an toàn giao thông đường sắt.
Theo đó, để có căn cứ xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người phụ nữ này, căn cứ quy định tại điều 206 đến điều 213 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền cần trưng cầu tỷ lệ thương tật, giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe đối với chị Bình.
Trường hợp chị Bình bị thương tật từ 11% trở lên và chị Bình có đơn đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người phụ nữ đã hành hung mình hoặc tỷ lệ thương tật của chị Bình dưới 11%, nhưng các cơ quan có thẩm quyền nhận định, đánh giá hành vi của người phụ nữ có tính chất côn đồ hoặc hành vi xảy ra đối với người đang thi hành công vụ thì Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đều có thể tiến hành khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự người phụ nữ này về tội danh "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phụ nữ hành hung tấn công, gây tổn hại sức khỏe đối với chị Bình về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại điều 318 Bộ luật hình sự.
Trường hợp chị Bình từ chối giám định tỷ lệ thương tật và hành vi của người phụ nữ chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phụ nữ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây thương tích cho chị Bình theo quy định tại điểm a khoản 5 điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 8 triệu đồng.
Trong lúc các phương tiện dừng chờ tàu hỏa, một cặp vợ chồng đến yêu cầu nữ nhân viên mở chắn để đi qua...
Nguồn: [Link nguồn]
-02/01/2025 09:35 AM (GMT+7)