"Tinh giản biên chế phải đúng vị trí, đối tượng"
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tinh giản biên chế phải gắn với việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm tinh giản đúng đối tượng, đúng vị trí.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ phải hoàn thiện Đề án theo hướng phải làm rõ hơn mục tiêu của Đề án là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút những người tài, có năng lực vào hoạt động công vụ.
Phải đánh giá rõ hơn thực trạng biên chế hiện nay trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương, làm rõ những hạn chế về chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tinh giản biên chế phải gắn với việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm tinh giản đúng đối tượng, đúng vị trí; nghiên cứu đổi mới cách đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm khoa học, chính xác, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ; cách thức và tiêu chí đánh giá phải phù hợp với ngành nghề, công việc...
Ngày 12/8, giữa trưa nắng nóng, hàng trăm người xếp hàng trước Cục thuế Hà Nội để nộp hồ sơ thi tuyển công chức.
Trước đó, vào tháng 2/2014, Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ soạn thảo thu hút sự quan tâm của dư luận. Dự kiến sau 6 năm kể từ năm 2014, sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người, với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 80% nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, cán bộ, công chức dôi dư do sắp sếp lại tổ chức, chưa đạt trình độ hoặc có chuyên môn không phù hợp, hạn chế về năng lực... có thể sẽ nằm trong diện tinh giản biên chế.
Diện tinh giản còn gồm viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật, người giữ chức danh lãnh đạo quản lý trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, người làm việc trong biên chế của các hội có tính chất đặc thù.